Trực Ninh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy cải cách hành chính

08:06, 04/06/2019

Nhằm từng bước xây dựng chính quyền hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ công dân, UBND huyện Trực Ninh đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Văn phòng UBND huyện Trực Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại trung tâm hành chính công.
Cán bộ Văn phòng UBND huyện Trực Ninh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại trung tâm hành chính công.

Huyện Trực Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, tập trung xây dựng Cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, duy trì thư điện tử công vụ và dịch vụ chứng thư số, chữ ký số. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của huyện được đầu tư thường xuyên, huyện đầu tư mở rộng hệ thống mạng LAN tại Văn phòng UBND, HĐND huyện, 100% các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn; trang bị 230 máy tính cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn, đạt tỷ lệ trung bình 2,5 cán bộ, công chức/máy tính. Công tác đào tạo tin học ứng dụng và nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin được huyện thường xuyên quan tâm, thực hiện; trung bình mỗi năm huyện tổ chức 3-4 lớp đào tạo kỹ năng thực hành tin học ứng dụng cho cán bộ, công chức. Đến nay, cơ bản cán bộ các cơ quan hành chính Nhà nước đều được đào tạo và sử dụng thành thạo kỹ năng nghiệp vụ tin học văn phòng, sử dụng thư điện tử và truy cập internet để phục vụ công việc. 100% cán bộ trong cơ quan và cán bộ ở cấp xã sử dụng hòm thư điện tử công vụ để gửi, nhận và trao đổi các văn bản, giấy tờ, dự thảo báo cáo... góp phần trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời và nâng cao chất lượng công việc. Huyện cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng các phần mềm chuyên ngành như: Quản lý công chức, viên chức; quản lý tài sản công; quản lý văn bản, phần mềm một cửa, quản lý người có công, quản lý đất đai... bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tính liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các cấp trên địa bàn. Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ cùng với đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng để huyện triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ chính quyền, phục vụ nhân dân. Cổng thông tin điện tử huyện và trang thông tin điện tử của 21 xã, thị trấn được xây dựng trên quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm nên được thiết kế các tính năng quản lý nội dung, tìm kiếm, truy vấn, quản lý người sử dụng, quản lý biểu mẫu điện tử, đăng nhập một lần, đảm bảo cho người sử dụng có thể truy cập đến các thông tin trực tuyến và các dịch vụ của chính quyền điện tử. Ngoài ra, các Cổng, trang thông tin điện tử của huyện, các xã, thị trấn còn lồng ghép thông tin quảng bá mảnh đất, con người của địa phương, cơ cấu tổ chức, văn bản pháp luật của ngành, địa phương, thủ tục hành chính… Giao diện này đã nhận được sự tương tác rất lớn của người xem, đặc biệt là người dân ở xa muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, khách du lịch muốn tìm hiểu về Trực Ninh trước khi quyết định đầu tư hoặc đến tham quan. Đặc biệt, trên Cổng thông tin điện tử huyện và các trang thông tin điện tử đều công khai số điện thoại, địa chỉ thư điện tử công vụ của người chịu trách nhiệm xử lý các thủ tục hành chính để người dân tiện liên hệ khi có nhu cầu và tăng trao đổi giữa chính quyền với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Việc duy trì hoạt động, cập nhật nội dung trên cổng, trang thông tin điện tử đã góp phần phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản lý Nhà nước, nâng cao tính minh bạch, giảm phiền hà và tiết kiệm trong việc in ấn sao gửi văn bản đến các đơn vị. Đến nay, huyện Trực Ninh đã triển khai hiệu quả các phần mềm ứng dụng bước đầu đưa trọn bộ thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hầu hết đạt mức độ 2 và từng bước nâng cấp một số thủ tục lên mức độ 3 và 4; gửi nhận hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính. Trong 5 tháng đầu năm 2019, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã tiếp nhận 331 hồ sơ ở các lĩnh vực; các hồ sơ đã được giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn, không có hồ sơ trễ hạn. Đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành đã thay đổi tích cực phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước, không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí, công sức đi lại cho người dân mà còn làm chuyển biến cơ bản quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức và công dân, cải tiến chế độ làm việc; chất lượng giải quyết công việc được nâng lên rõ rệt.

Để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước tiếp tục được phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch cải cách hành chính, huyện phấn đấu đến năm 2020, các thủ tục hành chính liên quan tới cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; 100% các văn bản, tài liệu chính thức (trừ văn bản mật, tài liệu tuyệt mật) được quét lưu dưới dạng điện tử và cập nhật vào hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp; thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3 đạt 100%, mức độ 4 đạt từ 10% trở lên. UBND huyện sẽ bổ sung các quy chế, quy định về quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin; xây dựng quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử; quy chế bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, ổn định trong công tác, nhằm đảm bảo các hệ thống thông tin đã đầu tư được hoạt động liên tục; thường xuyên rà soát, đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách hành chính. Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về chương trình xây dựng chính quyền điện tử của huyện. Triển khai những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, cải cách hành chính, góp phần thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com