Giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện

08:06, 24/06/2019

Những năm gần đây, hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện đã có nhiều chuyển biến và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Mặc dù khoa học công nghệ được xác định là động lực phát triển kinh tế - xã hội, song ở cấp huyện chỉ có cán bộ làm công tác này trong biên chế thuộc Phòng Công thương và thường phải kiêm nhiệm. Bên cạnh thuận lợi là có thể lồng ghép, kết hợp các chương trình, dự án khoa học công nghệ với các lĩnh vực Công thương, Thông tin truyền thông… song cũng có nhiều khó khăn do nhân lực ít, thiếu sự tập trung, chuyên nghiệp cho lĩnh vực này. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung đào tạo và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý khoa học công nghệ của các huyện, thành phố; tăng cường cơ sở vật chất và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý khoa học công nghệ cấp huyện tham gia vào các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ trên địa bàn. Tăng cường sự phối hợp giữa các phòng chuyên môn của Sở với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố trong triển khai kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ theo lĩnh vực chuyên môn. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ và phân bổ các đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp huyện để giải quyết kịp thời những yêu cầu thực tế đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các huyện, thành phố đã triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ; tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tài nguyên môi trường, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của khoa học công nghệ trong việc tăng giá trị, hiệu quả lao động sản xuất. Huyện Hải Hậu được đánh giá là làm tốt công tác đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp huyện, quản lý các đề tài, dự án khoa học công nghệ triển khai trên địa bàn.

Mô hình trình diễn giống lúa M1-NĐ tại xã Hải Hưng (Hải Hậu).
Mô hình trình diễn giống lúa M1-NĐ tại xã Hải Hưng (Hải Hậu).

Từ năm 2018 đến nay, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 300 người là đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn huyện về công bố hợp quy theo tiêu chuẩn quốc gia và nghiệp vụ quản lý thiết bị đo lường. Để góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, thông qua các chương trình, dự án khoa học công nghệ, cán bộ, công chức thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn cũng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Hệ thống Quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 lồng ghép trong chương trình tập huấn về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng của UBND huyện. Huyện đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh, các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực an toàn bức xạ; hướng dẫn, định hướng cho các đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ và lựa chọn các đề tài khoa học công nghệ. Trong 2 năm 2017-2018, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện đã công nhận 515 sáng kiến kinh nghiệm lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Huyện Nghĩa Hưng đã phát huy hiệu quả nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở các phòng, ban chuyên môn của huyện, các đơn vị xã, thị trấn xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội và lao động sản xuất. Nổi bật là dự án “Chuyển giao ứng dụng giống lúa Dự Hương (VS8)” được huyện thực hiện thành công trong vụ mùa năm 2018 tại 23 xã, thị trấn. Kết quả dự án cho thấy giống lúa Dự Hương có khả năng sinh trưởng tốt, chống đổ tốt, đẻ nhánh gọn, trỗ tập trung, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận và các loại sâu bệnh hại chính; thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với cơ cấu vụ mùa trung và mùa trung sớm tại địa bàn huyện; có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có khả năng thay thế giống Bắc Thơm 7 trong vụ mùa.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện của tỉnh ta vẫn còn những khó khăn, phát triển không đồng đều ở các địa phương. Công tác tuyên truyền về hoạt động khoa học công nghệ đến các tổ chức, cá nhân cấp huyện còn hạn chế. Hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện nói chung chưa được đưa vào trong các chương trình, nghị quyết của UBND các huyện, thành phố nên lãnh đạo địa phương chưa có sự quan tâm rõ nét. Lực lượng cán bộ chuyên trách phụ trách công tác khoa học công nghệ còn thiếu về số lượng và tính ổn định dẫn đến cơ quan thường trực, tham mưu cho Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp huyện chưa nắm bắt hết các hoạt động để đề xuất, tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn; hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện vẫn thiếu chiều sâu; vai trò của các thành viên Hội đồng còn hạn chế; việc duy trì hoạt động của Hội đồng cũng chưa được thường xuyên liên tục, rất ít huyện tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ định kỳ mỗi quý một lần. Công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ ở một số huyện chưa thật sự chủ động, vẫn còn trông chờ các hoạt động phối hợp của các phòng chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý trên địa bàn. Việc lập kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ theo quy định đã được thực hiện nhưng việc triển khai các kế hoạch này còn bị buông lỏng; nhiều nội dung hoạt động về khoa học công nghệ thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố chưa được triển khai dẫn đến hiệu quả tác động của khoa học công nghệ đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các địa phương chưa mạnh. Kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách khoa học công nghệ của tỉnh cấp hàng năm, chưa khai thác, phát huy được nguồn lực xã hội hóa ở địa phương. Tại một số huyện, Phòng Công thương không được giao tự chủ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ nên việc thực hiện các hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, kế hoạch đề ra không thực hiện được hoặc một số nhiệm vụ đã thực hiện xong nhưng lại chưa được cấp kinh phí để thanh toán như ở các huyện Ý Yên, Nam Trực.

Để đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện, thời gian tới, UBND các huyện, thành phố cần bố trí cán bộ chuyên trách (nếu bố trí cán bộ kiêm nhiệm cần phải ổn định công tác) quản lý khoa học công nghệ. Tăng cường cử cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý khoa học công nghệ cấp huyện theo các chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức. Tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ để triển khai tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ trên địa bàn, chú trọng các lĩnh vực: thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ, trong đó tập trung vào các sản phẩm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như: xăng dầu, thực phẩm, nước sạch, nước đóng chai, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa đóng gói sẵn. Đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống cần lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính cấp thiết tại cơ sở như: xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; khai thác thông tin khoa học công nghệ để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ, chương trình nông thôn - miền núi./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com