Tàu vũ trụ NASA đạt "bước tiến vĩ đại" trong khám phá hệ Mặt trời

06:02, 26/02/2019

Cuộc thám hiểm do tàu thăm dò của NASA thực hiện đã lập cột mốc bay xa kỷ lục mới ngay ngày đầu năm 2019.

Các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ăn mừng thắng lợi sau khi một tàu vũ trụ của cơ quan này kết nối về hệ thống quản lý ở dưới mặt đất, thông báo đã bay đến rìa hệ Mặt trời, đánh dấu bước tiến xa nhất từ trước tới nay trong lịch sử khám phá vũ trụ của con người.

 Mô phỏng khoảnh khắc New Horizons bay qua thiên thạch Ultima Thule.
Mô phỏng khoảnh khắc New Horizons bay qua thiên thạch Ultima Thule.

Nhiệm vụ của tàu vũ trụ mang tên New Horizons là bay thăm dò và gửi về NASA những hình ảnh nó thu nhập được trong thiên hà. Theo đúng kế hoạch, New Horizons dự kiến sẽ sớm gửi về hình ảnh của thiên thạch có tên Ultima Thule nằm ở rìa hệ Mặt trời.

Thiên thạch Ultima Thule cách Trái Đất 4 tỷ dặm (6,5 tỷ km), thuộc vành đai Kuiper – một tập hợp các hành tinh nhỏ, thiên thạch và các mảnh vụn băng còn sót lại từ sự hình thành của hệ Mặt trời 4,6 tỷ năm trước.

Do vị trí của thiên thạch này với Trái Đất quá xa, các nhà khoa học của NASA bắt buộc phải phó mặc cho con tàu tự thực hiện nhiệm vụ của mình. Ở khoảng cách nằm ngoài sự kiểm soát của NASA, nếu New Horizons gặp phải sự cố gì, các nhà khoa học chỉ còn biết trông mong vào hệ thống xử lý tự động trên tàu mà không thể can thiệp, xử lý bất cứ điều gì.

Cuối cùng, sau 10 giờ kiên nhẫn chờ đợi và mất hoàn toàn liên lạc, đội ngũ của NASA đã có thể thở phào nhẹ nhõm và vỗ tay ăn mừng khi con tàu bắt đầu gửi tín hiệu về mặt đất.

Jim Bridenstine, người đứng đầu NASA, phát biểu đầy tự hào: “Ngoài việc được biết đến với tư cách con tàu đầu tiên tiếp cận được Diêm Tinh Vương,  New Horizons tiếp tục sứ mệnh vẻ vang của mình khi lần nữa, nó là con tàu đầu tiên bay qua và khám phá vật thể có vị trí xa nhất từ trước tới nay trong hệ Mặt trời vào hôm nay. Thành tựu mới nhất này xứng đáng được coi là tiên phong trong ngành khoa học khám phá vũ trụ”.

Trước đó, vào năm 2015, tàu thăm dò New Horizons đã thành công trong việc bay qua Diêm Tinh Vương và thu thập được các bức hình ấn tượng về bề mặt của hành tinh này. Nhờ đó, giới khoa học có thể quan sát thấy sao Diêm Vương được bao phủ bởi các ngọn núi ni-tơ và "núi lửa" phun băng vào bầu khí quyển hydrocarbon mỏng.

Theo phát ngôn của NASA, từ một thiên thạch vốn chỉ có thể quan sát dưới hình dạng, kích thước siêu nhỏ, Ultima Thule sắp sửa được giới khoa học nhìn nhận như “một thế giới hoàn toàn mới”, sau khi những dữ liệu chi tiết của thiên thạch được gửi về. Các bức hình ban đầu về bước tiến mới nhất của NASA dự kiến sẽ được phổ biến đến công chúng vào tuần sau, song toàn bộ các hình ảnh phục vụ việc nghiên cứu phải mất đến 20 tháng để hoàn thành.

Những hình ảnh đầu tiên được gửi về được dự đoán sẽ có kích cỡ nhỏ và mờ mịt, khó nhìn, song phía NASA bày tỏ hy vọng sau khi tàu thăm dò tiếp cận được thiên thạch, các hình ảnh rõ nét, ấn tượng hơn sẽ đến tay các nhà khoa học.

Hal Weaver – giáo sư nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đồng thời là người trực tiếp tham gia vào dự án tàu New Horizons, bày tỏ sự vui mừng trước thành công của con tàu và gọi đây là “cơ hội duy nhất một lần trong đời”, “một bước tiến vĩ đại nữa trong hành trình khám phá hệ Mặt trời”.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện việc bay qua thiên thạch thuộc vành đai Kuiper và quan sát xem những gì đang thực sự diễn ra trong đó. Chúng tôi đang tiến những bước đầu tiên trên khía cạnh hoàn toàn mới trong việc nghiên cứu hệ Mặt trời” -  ông chia sẻ với tờ The Guardian.

Nhiệm vụ của tàu thăm dò sau đó sẽ là bay sâu vào khu vực vành đai Kuiper, khám phá và chụp hình các vật thể, thiên thạch khác.

Theo khoahoc.tv

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com