Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:01, 15/01/2019

Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt để thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản thời gian qua đã góp phần quan trọng đảm bảo tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp đạt mức 3,8% vào năm 2018; sản xuất chuyển mạnh từ chú trọng số lượng sang nâng cao chất lượng nông sản, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Chế biến ngao xuất khẩu theo công nghệ hiện đại tại Công ty Thủy sản Lenger, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định).
Chế biến ngao xuất khẩu theo công nghệ hiện đại tại Công ty Thủy sản Lenger, Cụm công nghiệp An Xá (Thành phố Nam Định).

I. Gia tăng sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ 

Khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình dự án quốc gia, chương trình phát triển nông thôn miền núi để đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nông sản địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án nghiên cứu sản xuất giống nhóm các loại cây trồng chủ lực gồm: lúa, lạc, ngô, khoai, đậu tương; cải tạo đàn lợn nái nền và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, quản lý chất thải chăn nuôi; sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, ngao dầu và hoàn thiện công nghệ chế biến nông sản ở các làng nghề gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để nhận chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, phát triển ngành nghề nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới đầu tư công nghệ trong sản xuất, chế biến và cung ứng nông sản. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình canh tác tiên tiến và công nghệ lai tạo, sinh sản nhân tạo các loại cây, con giống được ứng dụng nhanh vào sản xuất. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai gần 200 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trên 1.000 mô hình trình diễn công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và ngành nghề nông thôn. Tiêu biểu như công nghệ duy trì các dòng lúa bố mẹ và công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai F1, công nghệ nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; làm chủ công nghệ sản xuất giống một số loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng; làm chủ công nghệ chăn nuôi chuồng kín, công nghệ cải tạo giống lợn có tỷ lệ nạc cao trên 60%... Nhờ đó, diện tích trồng giống lúa chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu tăng từ dưới 20% (năm 2008) lên 71,5% (năm 2018). Giống khoai tây cũ năng suất thấp, chất lượng kém, dễ nhiễm sâu bệnh được thay thế bằng các giống khoai tây Đức và Hà Lan do Sở Khoa học và Công nghệ chọn tạo theo công nghệ nuôi cấy mô tế bào cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong nuôi thủy sản, các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá bống bớp được người dân lựa chọn để phát triển nhanh thành các vùng nuôi tập trung theo phương thức thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao tạo sản lượng thủy sản hàng hóa với quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha, nhiều mô hình đạt 20 tấn/ha. Giá trị sản xuất trên 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng đạt từ 700-800 triệu đồng; các mô hình nuôi theo công nghệ cao đạt trên 3 tỷ đồng/ha. Các quy trình, công nghệ sản xuất nông sản an toàn theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo công nghệ Nhật Bản và các tiêu chuẩn của châu Âu... được thực hiện nghiêm ngặt theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ tại các doanh nghiệp như: Công ty VinEco, Công ty Rau quả sạch Ngọc Anh, Công ty Thủy sản Lenger, Công ty trách nhiệm hữu hạn Biển Đông, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân. Trong khai thác xa bờ, ngư dân đã từng bước ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới trong sản xuất trên biển như: máy dò cá, định vị vệ tinh GPS, hải đồ điện tử...

II. Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng việc phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong đó, trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có khoảng cách khá xa so với nhiều địa phương trên toàn quốc, chưa đáp ứng yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, hàm lượng khoa học công nghệ của sản phẩm chưa cao. Vẫn còn giống cây con bản địa bị thoái hóa, mất đi đặc trưng riêng của nông sản địa phương. Kết quả thu hút đầu tư của doanh nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm nông sản còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương. Sức cạnh tranh của nông sản, thực phẩm của tỉnh chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu. Trình độ sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu. Việc xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, công bố chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được các cơ sở và doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nên số lượng sản phẩm có thương hiệu trên thị trường còn ít. 

Từ những đánh giá về các tồn tại hạn chế hai ngành Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xác định đây là giải pháp xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới tư duy của người dân về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chuyển từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo hướng thị trường để tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung đầu tư cho ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh và phù hợp với mục tiêu và lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tăng cường truyền thông khuyến khích người dân đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới cũng như sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ của tỉnh. Tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: sản xuất theo quy trình VietGAP, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và các tiêu chuẩn tương đương. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản an toàn, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng tem điện tử đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm (QR code). Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nông sản nhằm kết nối quảng bá các sản phẩm nông sản sạch của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com