Hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Nghĩa Đồng

08:11, 23/11/2018

Là xã thuần nông, ngoài 300ha đất canh tác, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) còn có hơn 30ha đất bãi ven đê sông Đào thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và kinh tế trang trại, gia trại.

Chăn nuôi lợn công nghệ cao tại trang trại của gia đình anh Phạm Tiến Dũng, đội 2, xã Nghĩa Đồng.
Chăn nuôi lợn công nghệ cao tại trang trại của gia đình anh Phạm Tiến Dũng, đội 2, xã Nghĩa Đồng.

Để khuyến khích nhân dân phát triển sản xuất, ứng dụng thành công những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất và đầu tư kiên cố hóa các công trình thủy lợi nội đồng đảm bảo tưới, tiêu nước cho từng vùng sản xuất. Đến nay, hệ thống thủy lợi nội đồng, kênh mương tưới, tiêu của xã đã được quy hoạch phù hợp theo 4 vùng chuyên canh, gồm vùng trồng cây vụ đông, vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng an toàn lương thực và vùng nuôi thủy sản. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND xã chỉ đạo hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể tổ chức tốt việc hướng dẫn nông dân ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật cấy, chăm bón, thu hoạch và sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác và trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa. Đồng thời khuyến khích vận động các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ nông dân đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong nhiều năm nay, xã đã xây dựng thành công và duy trì mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 250ha, sản xuất 3 vụ trong năm. Trong đó, hai vụ lúa sử dụng 80-85% giống lúa thuần chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, áp dụng kỹ thuật gieo sạ hàng cho 90% diện tích vụ xuân và 60% diện tích vụ mùa, cơ giới hóa khâu thu hoạch để tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Đồng thời khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng lúa nếp đen đặc sản của địa phương trong vụ mùa. Trước đây, cây lúa nếp đen (nếp phân trâu) chỉ được trồng với diện tích nhỏ, mỗi nhà một vài mảnh để dùng vào những ngày lễ, tết. Từ năm 2015 trở lại đây, diện tích cấy lúa nếp đen ở Nghĩa Đồng tăng dần. Đến vụ mùa năm 2018, diện tích cấy tập trung giống lúa nếp đen đã đạt vài chục mẫu theo cánh đồng mẫu lớn áp dụng các biện pháp thâm canh cải tiến nên năng suất cao. Hiệu quả kinh tế của lúa nếp đen cũng cao hơn so với các loại lúa khác. Với giá bán ngày thường 15-18 nghìn đồng/kg, thóc nếp đen cho thu nhập cao gấp hơn 2 lần so với thóc tẻ thường, giáp Tết Nguyên đán giá còn cao hơn nữa… Đối với diện tích đất ven sông Đào, xã tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư phát triển trang trại tổng hợp. Tại vùng đất này đến nay đã có hơn một chục hộ dân đầu tư làm kinh tế trang trại. Ban Nông nghiệp xã cùng các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ xã còn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên đưa nhiều giống cây, con mới vào nuôi, trồng như măng tre Bát Độ, chuối tiêu hồng, nhãn tiêu, nhãn lồng Hưng Yên, hồng xiêm, chanh không hạt; gà siêu trứng, ngỗng, giun quế, bò lai Sind, thỏ, dê, đà điểu... để tạo ra đa dạng nguồn thu. Tiêu biểu ở khu đất bãi này có thể kể đến trang trại rộng hơn 3ha của anh Phạm Tiến Dũng tổ chức sản xuất theo mô hình tổng hợp. Từ năm 2015, anh đã quy hoạch khu đất, nơi xây dựng chuồng nuôi lợn theo công nghệ Thái Lan; dành 1ha để trồng rau an toàn cung ứng cho các bếp ăn tập thể và chuỗi tiêu thụ liên tỉnh; diện tích còn lại anh bố trí ao thả cá, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm xen lẫn với vườn cây ăn quả và khu trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Sau 3 năm đầu tư, trang trại của anh đã duy trì thường xuyên khoảng 2.000 con lợn thịt xuất khẩu. Đồng thời cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao như rau an toàn, nhãn lồng, bưởi, cam và các loại thịt dê, đà điểu thương phẩm. Đây cũng là cơ sở cung ứng các loại cây, con giống chất lượng tới các hộ dân trong khu vực. Hiện tại giống cỏ VA06 do anh lựa chọn đưa về trồng tại trang trại làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và con nuôi thủy sản đã được các hộ dân khu vực vùng đất bãi mở rộng diện tích. Đây vừa là nguồn thức ăn hữu ích cho vật nuôi ở trang trại vừa là cây trồng “cứu cánh” cho người dân vùng đất bãi hay bị ngập úng vào mùa mưa bão. Trang trại của gia đình anh Dũng đã được Sở NN và PTNT lựa chọn để hỗ trợ theo dự án nông nghiệp các bon thấp. Toàn bộ chất thải chăn nuôi của trang trại được thu gom, xử lý theo đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, tách bã thải làm phân hữu cơ, năng lượng phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của trang trại và các hộ dân liền kề.  

Với việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xã Nghĩa Đồng đang dần tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ và đạt giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 35 triệu đồng; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 106 triệu đồng/ha/năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com