Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh

08:10, 12/10/2018

Theo số liệu của Sở Y tế hiện nay trên địa bàn tỉnh có 123 cơ sở kinh doanh dược, mạng lưới kinh doanh dược phát triển mạnh mẽ, góp phần đảm bảo quyền cho người dân được tiếp cận thuốc với chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc còn nhiều thách thức: Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, nhất là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng cao. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường, trong khi công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe…

Đóng gói thuốc tại Cty CP Dược phẩm Minh Dân (KCN Hoà Xá, TP Nam Định).
Đóng gói thuốc tại Cty CP Dược phẩm Minh Dân (KCN Hoà Xá, TP Nam Định).

Thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020”, từ đầu năm 2018, tỉnh ta được Bộ Y tế chọn là một trong số 4 tỉnh triển khai thí điểm việc ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Thực hiện thí điểm, ban đầu các cơ sở phần lớn chưa muốn tham gia vào Dự án kết nối mạng; thậm chí có trường hợp cơ sở từ chối tham gia với lý do không có máy tính, không có mạng, người bán thuốc cao tuổi nên không tiếp cận được với công nghệ… Trên thực tế nhiều cơ sở e ngại là do sẽ bị kiểm soát hoạt động kinh doanh, liên quan đến đóng thuế… Tuy nhiên, sau khi triển khai, các cơ sở bán thuốc đã dần ý thức được phải thay đổi thói quen lâu nay, phải thực hiện bán thuốc theo đơn. Việc thí điểm ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thuốc và các hoạt động mua bán thuốc; góp phần chấn chỉnh tình trạng mua bán thuốc không theo đơn và lạm dụng kháng sinh như hiện nay và giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng… Mặt khác giúp các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh; giúp các cơ quan quản lý dược nắm bắt được toàn bộ đường đi của thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến tay người tiêu dùng, đảm bảo thu hồi triệt để thuốc khi thuốc bị thu hồi bắt buộc, kiểm soát giá cả, nguồn gốc xuất xứ của thuốc, ngăn chặn tình trạng bán thuốc không đúng quy định. Đến nay đã có 40/123 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh thực hiện kết nối ứng dụng CNTT. Việc thực hiện ứng dụng CNTT kết nối liên thông các nhà thuốc đang là bước đi có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao trong việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc từ chính những người sử dụng; tạo nguồn dữ liệu lớn về việc sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn, hợp lý của mỗi người bệnh. Việc kết nối mạng hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc đang tiến tới trực tiếp loại bỏ mọi hành vi không trong sạch, có tính gian lận trong sản xuất, kinh doanh thuốc.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả, mới đây UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND ngày 30-8-2018 về việc triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Thông qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý; triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng các cơ sở bán lẻ thuốc bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra... Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 1634/KH-SYT về việc triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm bán lẻ kết nối mạng tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn với mục tiêu: Đến ngày 1-1-2019, các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Đến ngày 1-1-2020, 635 quầy thuốc, các quầy thuốc trạm y tế (các cơ sở được cấp giấy phép bán lẻ thuốc) và các cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà cung cấp với các khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và các ngành chức năng nhanh chóng triển khai phần mềm bán lẻ kết nối mạng tại các nhà thuốc trong tỉnh (thời gian hoàn thành trong tháng 10-2018). Thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm bán lẻ kết nối mạng tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn tỉnh. Các nhà thuốc triển khai thực tế tại cơ sở, trong quá trình thực hiện có sự hỗ trợ trực tiếp của Viettel… Bên cạnh đó, triển khai phần mềm bán lẻ kết nối mạng tại các quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế (các cơ sở được cấp giấy phép bán lẻ thuốc) và các cơ sở bán lẻ thuốc còn lại trong tỉnh (từ tháng 1-2019 đến hết tháng 12-2019).

Để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở Y tế cùng các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm cho các nhà thuốc trong quản lý bán hàng, kết nối với các cơ quan chức năng. Đối với các đối tượng không tham gia kết nối cần có những biện pháp xử lý theo quy định. Tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân viên ngành Y tế tuân thủ nghiêm các quy định liên quan về công tác dược…

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com