Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã

08:10, 16/10/2018

Cạnh tranh thị trường ngày một lớn đòi hỏi sản phẩm của các HTX phải được nâng cao cả về năng suất lẫn chất lượng. Trong bối cảnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh (SXKD) đang là một hướng đi bền vững và mang lại hiệu quả cho các HTX.

Từ sau khi tái thành lập HTX theo Luật HTX năm 2012, HTX SXKD DVNN Trần Phú, xã Nam Tiến (Nam Trực) đã tập trung xây dựng phương án SXKD, đầu tư thiết bị, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và sơ chế nông sản. Theo đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, HTX đã đầu tư trên 120 triệu đồng để mua máy sấy thóc với công suất 5 tấn/mẻ, bước đầu đáp ứng nhu cầu của thành viên HTX và nông dân. Đồng chí Vũ Quang Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, khi đầu tư máy sấy thóc có nhiều tiện ích. Thứ nhất, người dân không phải mang thóc ra đường phơi gây mất an toàn giao thông. Thứ hai, chất lượng thóc sau khi sấy đảm bảo chất lượng, tỷ lệ thóc gẫy giảm nhiều. Đặc biệt khi đầu tư máy sấy thóc đã giải quyết khâu phơi thóc khi gặp thời tiết khí hậu bất thường (mưa lớn, ngập lụt…). Vì vậy, việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật của HTX Trần Phú sau thu hoạch, nhất là máy sấy lúa được nông dân xem là khâu quan trọng của lộ trình đưa hạt thóc đảm bảo chất lượng ra thị trường. Bên cạnh đó, ngoài việc được giao quản lý trên 65ha diện tích gieo cấy; HTX còn đầu tư canh tác trên 10ha giống lúa Dự hương và Bắc thơm số 7 theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã áp dụng phương thức sản xuất hiệu quả nhất, sử dụng chế phẩm sinh học E.T để cải tạo đồng ruộng; tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Cùng với đó, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa gạo với Cty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) bình quân mỗi vụ 200-300 tấn thóc. Điều này giúp các thành viên HTX phần nào yên tâm sản xuất. Cũng theo lãnh đạo HTX, để tiếp tục nâng cao giá trị của hạt thóc trên địa bàn HTX quản lý, đơn vị đang tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây sẽ là điều kiện để sản phẩm của HTX từng bước chiếm lĩnh thị trường. Thành công của HTX Trần Phú đã cho thấy hiệu quả tích cực của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát huy hiệu quả kinh tế.

Ở HTX trồng hoa cây cảnh Nam Phong, xã Nam Phong (TP Nam Định), với diện tích trồng hoa hơn 1,5ha, việc thu hoạch, bảo quản hoa cũng được áp dụng bằng biện pháp đầu tư kho lạnh. Theo chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX bình quân mỗi ngày HTX thu hoạch hàng vạn bông hoa cúc, hoa ly. Sản xuất hoa tươi với số lượng nhiều sau khi thu hoạch thì cần phải có chế độ bảo quản phù hợp để giữ cho hoa luôn tươi, sau thời gian mới bán ra thị trường thì chất lượng của hoa vẫn không thay đổi, đáp ứng nhu cầu hoa tươi cho người tiêu dùng. Vì phương pháp bảo quản phổ thông không thể đáp ứng được lượng hoa cần bảo quản số lượng nhiều. Chính vì thế, kho lạnh bảo quản công nghiệp là phương pháp giải quyết hiệu quả nhất, giúp cho hoa không bị nấm bệnh, non yếu và giảm chất lượng sau khi cắt giúp cho hoa giữ nguyên độ tươi đẹp sau khi bán ra thị trường.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất giống cây trồng, rau, trái cây, hoa, trồng nấm; chăn nuôi gà, lợn và nuôi trồng thủy sản. Loại hình công nghệ cao ứng dụng trong các HTX chủ yếu là áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, còn lại là các loại hình áp dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư trong nông nghiệp. Nhìn chung, các HTX ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đều mang lại hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt. Ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân, các HTX chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, tiết kiệm các chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất tuy có số lượng chưa nhiều so với tổng số HTX nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, hiệu quả từ sự chuyển đổi sản xuất sang ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong SXKD sản phẩm nông nghiệp mà những HTX này đạt được trong thời gian qua cho thấy chủ trương của Chính phủ và Bộ NN và PTNT trong đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã tác động dần chuyển hướng tích cực trong phát triển kinh tế tập thể và các HTX. Cùng với đó, các HTX cũng đã chuyển biến về nhận thức, chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong SXKD và phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, trước xu hướng yêu cầu, đòi hỏi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, việc các HTX ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại cũng đã dần chuyển biến để thích ứng, bảo đảm duy trì mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp. Những mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Thực tế hiện nay, để các HTX nông nghiệp nói riêng, các HTX ở các lĩnh vực khác nói chung thích ứng với điều kiện SXKD trong cơ chế thị trường phải tập trung nâng cao năng lực quản trị của các HTX, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất bền vững và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là khâu đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp. Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, đắt tiền nhất, mà là công nghệ phù hợp điều kiện thực tiễn sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tiếp tục hỗ trợ các HTX, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với tỉnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, nhất là các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao nhận thức cho các HTX và các thành viên về sự cần thiết ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trước yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả SXKD, sự cạnh tranh trên thị trường./.

Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com