Hải Hậu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất

08:08, 13/08/2018

Ứng dụng KHCN để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và CN-TTCN là định hướng trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện Hải Hậu. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, huyện đã tạo được bước đột phá trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của huyện đạt hơn 7,22%. Sản xuất nông nghiệp, CN-TTCN phát triển vượt bậc với nhiều sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn của KHCN, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Cán bộ Phòng Công thương Hải Hậu khảo sát thông tin, hướng dẫn Cty CP Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Việt Nhật, xã Hải Xuân tham gia các chương trình KHCN trên địa bàn huyện.
Cán bộ Phòng Công thương Hải Hậu khảo sát thông tin, hướng dẫn Cty CP Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Việt Nhật, xã Hải Xuân tham gia các chương trình KHCN trên địa bàn huyện.

Với lợi thế đất đai màu mỡ, có nhiều làng nghề truyền thống, người dân cần cù, sáng tạo là điều kiện thuận lợi để huyện Hải Hậu đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất. UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật và hiệu quả, mục đích ứng dụng KHCN vào sản xuất. Tổ chức tốt việc tạo điều kiện, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cây, con giống để người dân xây dựng thành công mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT trước khi nhân rộng ra sản xuất đại trà. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong làng nghề ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là ứng dụng KHCN trong việc sinh sản nhân tạo giống thủy hải sản và nuôi thủy hải sản theo quy mô công nghiệp; Xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây đinh lăng, cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO; Khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa triển vọng tại các vùng địa chất khác nhau trong toàn huyện để xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp nhất. Từ những mô hình khảo nghiệm, huyện đã chọn ra được các giống lúa Tám xoan đột biến, Nếp 96, Thiên Ưu 8 có chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng trung bình ngắn, năng suất khá, phù hợp với điều kiện thâm canh (đặc biệt là trong vụ mùa) do có tính chống chịu tốt với bệnh bạc lá để đưa vào cơ cấu gieo trồng thay thế giống lúa Bắc thơm 7 nhiễm nặng bệnh bạc lá trong vụ mùa của huyện. Trong sản xuất CN-TTCN, năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo, tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ làng nghề sản xuất bánh kẹo, chế biến lương thực truyền thống Đông Cường (tổ dân phố số 6 Thị trấn Yên Định) xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bánh nhãn Hải Hậu” cho sản phẩm bánh nhãn. Làng nghề sản xuất bánh kẹo, chế biến lương thực Đông Cường được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012 với sản phẩm đặc trưng là bánh nhãn và hàng chục loại bánh kẹo khác. Trong đó sản phẩm bánh nhãn được ưa chuộng bởi những nguyên liệu làm bánh hoàn toàn là bột nếp, trứng gà, đường kính trắng. Theo các cụ cao niên trong làng, ngoài 3 nguyên liệu trên thì không thể thêm hoặc thay thế bất kỳ nguyên liệu nào vì nếu pha chế thêm nguyên liệu “lạ”, bánh sẽ bị nổ khi chiên giòn và cũng không giữ được vị bùi, ngọt, thơm, mềm, giòn rụm của bánh. Được tạo nên từ những nguyên liệu tự nhiên dân dã quen thuộc trong đời sống, lại được người dân làng nghề cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu sơ chế nên sản phẩm xuất bán khắp các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Vào vụ chính trong năm (khoảng từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau) mỗi ngày, các hộ sản xuất trong làng nghề cung ứng ra thị trường từ 8-10 tấn bánh, kẹo các loại. Sản phẩm bánh nhãn Hải Hậu được hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và đã được Nhà nước cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Huyện đã xây dựng và hoàn thiện được các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý, khai thác nhãn hiệu chứng nhận: các quy trình, quy chế liên quan được ban hành, sổ tay hướng dẫn quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Đồng thời xây dựng hệ thống công cụ quản lý, nhận diện sản phẩm và quảng bá thương hiệu. Ngoài sản phẩm bánh nhãn Hải Hậu, còn sản phẩm bản lề xoay và khóa cửa mang nhãn hiệu OSUMY của Cty CP Thương mại dịch vụ và Xuất nhập khẩu Việt Nhật, xã Hải Xuân cũng được hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Có thể nói hoạt động KHCN không chỉ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm CN-TTCN địa phương mà còn giúp người dân làng nghề được trang bị những kiến thức cơ bản về nhãn hiệu và bảo vệ nhãn hiệu sản phẩm, từ đó có ý thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn gian lận thương mại, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh hoạt động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm làng nghề đặc trưng khác trên địa bàn huyện.

Để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất và nâng cao hiệu quả đầu tư cho KHCN, huyện Hải Hậu đang nỗ lực khuyến khích các xã, thị trấn, các doanh nghiệp trên địa bàn đưa mục tiêu phát triển KHCN trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời định hướng cho các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng KHCN theo hướng đưa cây, con giống mới vào sản xuất; khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới theo hướng dịch vụ; ứng dụng KH và CN  trong bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com