Thúc đẩy sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến (kỳ 1)

08:06, 19/06/2018

Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động chỉ đạo điều hành, đáp ứng yêu cầu vận hành bộ máy hành chính trong xu thế công nghệ số phát triển, tỉnh ta đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công (DVHCC) để người dân sử dụng thường xuyên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai cung cấp DVHCC trực tuyến của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế, vẫn còn ít người dân, doanh nghiệp sử dụng. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, thân thiện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện DVHCC thiết thực, hiệu quả hơn.

Đa số người dân vẫn trực tiếp sử dụng dịch vụ hành chính công tại bộ phận “một cửa” Thành phố Nam Định.
Đa số người dân vẫn trực tiếp sử dụng dịch vụ hành chính công tại bộ phận “một cửa” Thành phố Nam Định.

I. Vẫn thờ ơ với dịch vụ hành chính công trực tuyến

Cung cấp DVHCC trực tuyến là nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. DVHCC trực tuyến được áp dụng theo mô hình Chính phủ điện tử tại Việt Nam bao gồm 4 mức. Mức 1 đòi hỏi cổng thông tin điện tử ở các cơ quan, đơn vị công khai đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ. Mức độ 2 cho phép người sử dụng dịch vụ tải về mẫu đơn, hồ sơ để có thể in ra hoặc điền vào các mẫu đơn. Mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Ngoài thông tin đầy đủ ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện giao dịch qua mạng như ở mức độ 3 thì mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán chi phí trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. Mức độ 3 và 4 là hai mức độ cao trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đánh giá không những mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn giảm áp lực giấy tờ và tránh sách nhiễu, phiền hà của cán bộ thực thi công vụ ở các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn nhằm hướng đến cung cấp nhanh, mạnh DVHCC trực tuyến. Đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khác; thực hiện quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 ở các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; thường xuyên cập nhật, rà soát để đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không phù hợp, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được triển khai để giải quyết tốt các TTHC. Ngoài ra, Sở KH và ĐT, Ban quản lý các KCN tỉnh còn thực hiện hệ thống “một cửa” của Bộ KH và ĐT trong việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài và lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng DVHCC. Đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống cung cấp DVHCC trực tuyến với tổng số 1.885 thủ tục; trong đó 100% thủ tục mức độ 2 và trên 300 thủ tục mức độ 3. Trong đó, UBND tỉnh đã cung cấp DVHCC được 24 thủ tục; 12 sở, ban, ngành gồm: Ban quản lý các KCN tỉnh, Tài chính, Công thương, KH và ĐT, LĐ-TB và XH, NN và PTNT, Nội vụ, TT và TT, TN và MT, Tư pháp, Xây dựng đã cung cấp DVHCC được 501 thủ tục; có 5 huyện, thành phố gồm: Nam Định, Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh đã cung cấp tổng số 1.360 thủ tục.

 Việc chủ động cung cấp DVHCC trực tuyến của ngành chức năng và các địa phương đem lại nhiều tiện ích tiết kiệm chi phí, thời gian và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ. Một số thủ tục thu hút nhiều người dân, doanh nghiệp sử dụng thường xuyên như: kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xuất nhập cảnh... Tiêu biểu nhất phải kể đến các DVHCC trực tuyến do ngành Thuế cung cấp; đến nay đã có 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, 100% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện bằng phương thức điện tử. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy bên cạnh kết quả kể trên thì mức độ quan tâm, sử dụng của doanh nghiệp và người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên địa bàn tỉnh không nhiều. Tại nhiều sở, ngành, địa phương dù đã chủ động cung cấp DVHCC trực tuyến từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh bất kỳ giao dịch trực tuyến nào. Vì vậy làm thế nào để DVHCC trực tuyến đến được với đông đảo người dân; đặc biệt là DVHCC trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3, 4) là vấn đề cần tháo gỡ của ngành chức năng, các địa phương.

Theo đồng chí Lê Tuấn Lực, Trưởng Phòng CNTT (Sở TT và TT), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng người dân còn thờ ơ, chưa tích cực sử dụng DVHCC trực tuyến, nhất là ở mức độ 3, 4 là do công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết đến các dịch vụ này còn hạn chế. Trao đổi với nhiều người đang thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan, tổ chức đều cho biết cũng có nghe nói về dịch vụ trực tuyến nhưng cụ thể như thế nào thì lại không nắm được. Nhiều người dân, nhất là nông dân, người lao động phổ thông trình độ tin học hạn chế; chưa từng tiếp xúc với máy vi tính nên khó có thể sử dụng các DVHCC trực tuyến. Hơn nữa, tại báo cáo đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2017, UBND tỉnh đã chỉ rõ có tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị ít quan tâm đẩy mạnh giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp bằng CNTT; không tự giác tham gia cập nhật phần mềm trên trang hành chính công của tỉnh. Bên cạnh đó cũng theo đánh giá của UBND tỉnh, ở cấp sở đã thực hiện tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng hầu hết các huyện, xã chưa thực hiện hết các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; đa số các huyện, xã phân công, bố trí công chức giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo lĩnh vực, theo ngày nhất định; vẫn tồn tại tình trạng cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, gây phiền hà đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Đây cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đa số người dân, doanh nghiệp vẫn có thói quen đến cơ quan hành chính để trực tiếp làm hồ sơ TTHC khi có nhu cầu chứ chưa mặn mà, hoặc không tin tưởng sử dụng DVHCC trực tuyến./.

 (Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com