Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp

08:11, 27/11/2017

Đến nay, phong trào “Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT)” do Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng phát động trong khối Nông nghiệp huyện đã triển khai được 5 năm. Ngoài mục tiêu giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, thay đổi những thói quen lạc hậu trong sản xuất, tránh lãng phí tài nguyên và tạo môi trường trong sạch cho phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện thắng lợi đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa” của huyện, phong trào còn giúp người dân chuyển đổi nhận thức về vai trò quan trọng của khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất.

Hoa, cây cảnh được người dân Thị trấn Quỹ Nhất trồng trên chân đất hai lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hoa, cây cảnh được người dân Thị trấn Quỹ Nhất trồng trên chân đất hai lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghĩa Hưng là huyện ven biển, điều kiện tự nhiên đa dạng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Cơ sở hạ tầng được các ngành, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm hỗ trợ, đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo cho phát triển sản xuất. Người dân chăm chỉ chịu khó, có trình độ thâm canh tương đối cao. UBND huyện, ngành NN và PTNT luôn quan tâm đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn kỹ thuật canh tác mới được triển khai cho bà con nhân dân; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng TBKT… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có bước đột phá, chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thậm chí, trong điều kiện do biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, nhiều diện tích đất nông nghiệp vùng ven biển còn bị bỏ hoang, không canh tác. Huyện ủy, UBND huyện đã thống nhất, quyết định phát động phong trào “Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng TBKT” với mục tiêu đưa cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn dân cư cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, hiệu quả thiết thực. Trong đó yêu cầu mỗi cán bộ kỹ thuật phải “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin và vận động, hỗ trợ nhân dân làm theo mình” để xây dựng được một mô hình ứng dụng TBKT. Triển khai thực hiện phong trào huyện Nghĩa Hưng đã rà soát lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, nghiệp vụ sư phạm để rèn luyện kỹ năng truyền đạt, chuẩn bị kinh phí hỗ trợ các cán bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ứng dụng TBKT ở địa bàn dân cư… Đến giữa năm 2012, phong trào “Mỗi cán bộ kỹ thuật một mô hình ứng dụng TBKT” được khởi động nhằm đưa được những TBKT vào sản xuất để thực hiện thắng lợi đề án “Chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa” của huyện. Huyện chọn 10 cán bộ kỹ thuật trẻ các đơn vị Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) và HND để xây dựng phong trào. Tất cả cán bộ được giao nhiệm vụ đều còn trẻ, có kiến thức chuyên môn sâu, trong đó có 6 cán bộ đạt trình độ thạc sĩ chuyên ngành NN và PTNT. 10 cán bộ kỹ thuật phụ trách 10 địa bàn xã gồm: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Tân, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Châu, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Lợi. Đây là những xã có điều kiện tự nhiên đặc trưng, việc ứng dụng TBKT vào sản xuất không thuận lợi. Để tạo điều kiện xây dựng mô hình, huyện hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động nghiệm thu, tham quan, phổ biến kiến thức cho nhân dân theo hình thức hội nghị đầu bờ, đồng thời chỉ đạo các xã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và quy hoạch vùng cây vụ đông theo điều kiện thực tế của từng thôn, xóm để làm cơ sở cho cán bộ kỹ thuật triển khai thực hiện. Yêu cầu đối với mỗi cán bộ kỹ thuật khi tham gia chương trình là tự hạch toán chi phí tổ chức sản xuất cho diện tích tối thiểu 1 mẫu trồng cấy 3 vụ trong năm; mô hình kỹ thuật phải nằm trong diện tích quy hoạch CĐML của địa phương; cơ cấu giống, thuốc BVTV, quy trình kỹ thuật chăm bón sử dụng trong ô ruộng thí điểm phải được áp dụng chung cho diện tích CĐML. Trên cơ sở đó, 10 mô hình ứng dụng TBKT của phong trào được thực hiện với tổng diện tích 860,3ha, chiếm 60% diện tích CĐML toàn huyện. Các cán bộ kỹ thuật đã xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của người dân địa phương; trong đó, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày có sức chống chịu tốt, cho năng suất, chất lượng cao như BT7 kháng bạc lá, RVT, TBR45, Thiên Trường 750, TH3-3… để vừa đạt mục tiêu năng suất, chất lượng, vừa đảm bảo thời gian cho sản xuất vụ đông trên diện tích đất 2 lúa. Theo đó, công thức canh tác lúa xuân + lúa mùa sớm + cây vụ đông (bí ngô, bí xanh, cà chua, ngô ngọt, cải bẹ) được áp dụng trên diện tích CĐML, bước đầu đã phát huy hiệu quả tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa với số lượng lớn, chất lượng ổn định, độ đồng đều cao. Cùng với xây dựng cơ cấu cây trồng, mùa vụ, các cán bộ kỹ thuật phối hợp với Ban Nông nghiệp xã, HTXDVNN và các hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng TBKT vào canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất và sử dụng đồng bộ một loại phân bón, thuốc BVTV của các hãng có uy tín trên cùng một diện tích. Tại thời điểm đó, mô hình ứng dụng TBKT vào sản xuất ở xã Nghĩa Bình do kỹ sư Trần Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện (nay là Trưởng Phòng NN và PTNT huyện) phụ trách không chỉ cho năng suất, chất lượng cao gấp nhiều lần so với diện tích khác mà còn góp phần làm thay đổi cơ bản tập quán canh tác của người dân địa phương. Mặc dù đồng đất thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhưng do trình độ thâm canh chưa cao, nên trước đó, người dân ngại thay đổi tập quán canh tác, vẫn giữ thói quen sử dụng thóc gặt vụ trước làm giống cho vụ sau, chưa mạnh dạn áp dụng phương pháp gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống và chưa mở rộng canh tác cây vụ đông trên đất hai lúa… Bắt tay vào xây dựng mô hình, kỹ sư Trần Trung Hiếu đã phối hợp với Ban Nông nghiệp xã xây dựng cơ cấu giống, mùa vụ, quy trình kỹ thuật canh tác cụ thể và tổ chức hướng dẫn động viên người dân làm theo quy trình thâm canh cải tiến. Theo đó, toàn bộ cánh đồng 32ha ở xóm 9 đã được bà con nông dân gieo cấy bằng giống nguyên chủng, áp dụng phương pháp gieo sạ hàng và quy trình thâm canh sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép. Ngay trong vụ xuân, năng suất lúa đã đạt 205 kg/sào. Đặc biệt, do sử dụng giống BT7 kháng bạc lá trong vụ mùa nên toàn bộ diện tích không bị nhiễm bệnh, năng suất trung bình đạt 160 kg/sào, cao hơn các diện tích khác từ 60kg - 1 tạ/sào, đồng thời vẫn đảm bảo thời gian trồng vụ đông với cây đậu tương và bí xanh trên tổng diện tích 30ha. Thành công “kép” của mô hình là đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong xã. Nhiều người dân địa phương cho biết: Trước đây, chúng tôi đã được tuyên truyền các biện pháp ứng dụng TBKT vào các khâu sản xuất nhưng chưa mạnh dạn làm vì còn thiếu kiến thức, nay được huyện cử cán bộ kỹ thuật về cùng sản xuất và trực tiếp hướng dẫn nên chúng tôi yên tâm làm theo. Từ nay trở đi chúng tôi sẽ duy trì áp dụng TBKT, nhân rộng mô hình canh tác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài kỹ sư Trần Trung Hiếu, các kỹ sư: Hoàng Đình Tuyến (Phòng NN và PTNT); Trần Văn Chinh, Phạm Thị Thu (Trạm Khuyến nông); Nguyễn Thị Nhung (Trạm BVTV); Trần Văn Tuấn (HND huyện)… đã trở nên thân thuộc, được người dân nhắc đến mỗi khi có băn khoăn về kỹ thuật canh tác, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi hay mỗi khi mùa vụ bội thu. Dấu ấn đồng hành cùng người dân xã Nghĩa Bình của các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đã được khẳng định trong suốt thời gian qua không chỉ ở trong lĩnh vực trồng trọt mà cả trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông thủy sản. Đến nay Nghĩa Bình trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa của huyện với nhiều loại thủy đặc sản nuôi, trên 52ha cây vụ đông và hơn 10ha sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, khác xa với bức tranh sản xuất của xã Nghĩa Bình vốn độc canh cây lúa trước đây. Vai trò của các cán bộ kỹ thuật còn ghi dấu trong việc đưa giống lúa chịu mặn vào canh tác tại vùng đất nhiễm mặn của các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, hay kỹ thuật gắn việc gieo sạ hàng với bón phân…

Với phương pháp kết hợp đồng bộ các điều kiện canh tác, yếu tố kỹ thuật, lại được cán bộ kỹ thuật trực tiếp đồng hành trong các khâu chăm bón, thăm đồng cùng nông dân nên các khó khăn phát sinh trong quá trình canh tác đều được khắc phục triệt để; cán bộ kỹ thuật còn tận tình giảng giải, hướng dẫn các biện pháp canh tác tiên tiến nên tất cả các mô hình đều đạt kết quả vượt trội so với sản xuất đại trà. Mục tiêu đổi mới cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ được thực hiện đồng bộ trên cả 10 mô hình ứng dụng TBKT. Đến nay sau 5 năm thực hiện phong trào, trình độ kỹ thuật của người dân các địa phương đã được nâng cao đáng kể. Hầu hết các loại sâu bệnh đơn thuần người dân đều tự xử lý theo đúng quy trình, khoa học, hiệu quả; diện tích gieo sạ đã tăng gấp 6 lần so với trước đây. Đây là điểm tựa quan trọng để huyện Nghĩa Hưng khai thác tối đa tài nguyên đất đai, giúp nông dân làm giàu từ nông nghiệp. Hiệu ứng tích cực từ 10 mô hình đã lan tỏa phát triển ra nhiều xã, thị trấn khác. Điều quan trọng hơn là cách điều hành sản xuất của các cán bộ kỹ thuật được nông dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng. Đội ngũ cán bộ cũng ngày một trưởng thành qua từng mô hình, từng công việc cụ thể. Cũng nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi về chuyên môn, khéo vận động, thuyết phục nhân dân và tận tâm, tận lực với công việc đã khiến huyện Nghĩa Hưng trở thành “địa chỉ” tin cậy để các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng TBKT mới trong và ngoài nước tìm đến đề xuất hợp tác, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiếp cận với nông nghiệp kỹ thuật cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com