Ứng dụng kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất ở Yên Tân

08:10, 10/10/2017

Xã Yên Tân (Ý Yên) có điều kiện tự nhiên ít thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trong khi người dân không có nghề phụ. Để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, Đảng ủy, UBND xã xác định phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Sau nhiều năm kiên trì thực hiện, chủ trương này đã giúp Yên Tân trở thành một xã mạnh về chăn nuôi với khoảng trên 100 trang trại chăn nuôi tổng hợp đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Nhiều trang trại, gia trại có cách làm sáng tạo và đã thành công nhờ phát triển chăn nuôi hữu cơ, chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Chăm sóc chim bồ câu sử dụng thảo dược tại trang trại chăn nuôi Ngọc Báu, xã Yên Tân (Ý Yên).
Chăm sóc chim bồ câu sử dụng thảo dược tại trang trại chăn nuôi Ngọc Báu, xã Yên Tân (Ý Yên).

Trong tổng số hơn 500ha đất nông nghiệp của xã Yên Tân có tới 1/3 diện tích chỉ cấy được một vụ lúa trong năm. Tuy nhiên qua nghiên cứu với sự hỗ trợ của khoa học có thể biến khó khăn này thành lợi thế phát triển ngành sản xuất khác nếu được quy hoạch hợp lý và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Trên quan điểm đó, UBND xã đã tổ chức tốt công tác DĐĐT, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch, chỉnh trang kiến thiết lại đồng ruộng thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp và giao đất lâu dài để người dân yên tâm đầu tư. Trước mỗi mùa vụ, UBND xã giao cho HTXNN, các tổ chức đoàn thể phối hợp với cơ quan Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật về cơ cấu giống cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... Năm 2016, đã tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân NPK, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật và con nuôi cho trên 1.000 lượt xã viên. Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã tín chấp cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân vay vốn với tổng dư nợ là gần 49 tỷ đồng. Được đầu tư cơ sở vật chất và trang bị kiến thức, tạo điều kiện về vốn nên người dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Đến nay, toàn xã đã có 110 trang trại, gia trại đa dạng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, lúa - cá. Hầu hết các gia trại tập trung ở thôn Nguyệt Bói, Nguyệt Thượng và thôn Mai Phú với tổng diện tích gần 70ha. Nhiều gia trại có quy mô từ 5.000-7.000m2, được ứng dụng khoa học kỹ thuật nên mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại trang trại chăn nuôi gia cầm Ngọc Báu, thôn An Sọng, toàn bộ gà và chim bồ câu được chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học với quy trình sử dụng hoàn toàn chất hữu cơ từ thức ăn, nước uống và chế phẩm bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi; không sử dụng thức ăn công nghiệp và hạn chế cơ bản các loại thuốc kháng sinh phòng bệnh cho chim bồ câu và gà. Ngoài việc thiết kế chuồng trại chăn nuôi khoa học, đảm bảo thoáng mát, tránh gió lùa vào mùa đông và sát trùng định kỳ bằng dung dịch provine Iodine thì thức ăn của chim bồ câu và gà tại trang trại được sử dụng chủ yếu là thóc, ngô mảnh, đỗ tương và yến mạch. Đặc biệt là thức ăn được bổ sung bột trà xanh, nước uống từ lá trà xanh nấu chín để vừa đảm bảo chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi phát triển, lại có thể bổ sung kháng sinh tự nhiên có trong trà xanh giúp cơ thể vật nuôi tự chống lại bệnh tật và đốt cháy mỡ thừa, giúp cơ thịt săn chắc, chất lượng thịt ngọt thơm. Hơn thế nữa trong không gian khu vực chuồng trại chăn nuôi của cả gà và chim bồ câu được xông khói bằng cách đốt bồ kết ủ trong lớp trấu vừa khử mùi hữu hiệu, vừa chống ẩm mốc, nhiễm nấm, môi trường chuồng nuôi được cải thiện, không có mùi hôi đặc trưng của gia cầm. Đặc biệt cách làm này còn có tác dụng phòng các bệnh hô hấp, hen suyễn gia súc, gia cầm thường dễ mắc. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ trang trại cho biết: Được UBND xã khuyến khích tạo điều kiện dồn đổi ruộng đất phát triển sản xuất nên nhiều năm nay gia đình tôi đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Kiên trì áp dụng các kỹ thuật hướng dẫn từ nhiều năm nay toàn bộ vật nuôi của trang trại phát triển mạnh, vật nuôi không bị bệnh tật, không phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh do tinh chất trà xanh đã giúp diệt khuẩn đường ruột, thúc đẩy tiêu hóa, hạn chế bệnh đường hô hấp và tạo nên sản phẩm chất lượng thịt ngon. Hiện tại sản phẩm gà thịt, chim bồ câu của trang trại không đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường với giá bán cao hơn hẳn so với gia cầm nuôi theo cách thông thường. Mô hình chăn nuôi tại trang trại gà Ngọc Báu đang là điển hình tiên tiến được ngành NN và PTNT, xã Yên Tân khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn học tập.

Bên cạnh mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp, xã Yên Tân cũng khuyến khích người dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh lúa và cải tạo vườn tạp. Trong vụ mùa năm 2017, xã Yên Tân đã áp dụng mô hình canh tác lúa “3 cùng” trên diện tích 4,7ha tại thôn Mai Độ và trình diễn canh tác lúa Dự hương tại thôn Mai Thanh. Những mô hình này đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình canh tác lúa Dự hương đạt năng suất 260 kg/sào, lại có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng cao với điều kiện địa phương. Mô hình này là ví dụ cụ thể mà UBND xã lựa chọn xây dựng nhằm khuyến khích người dân thay thế dần giống BT7 đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, đặc biệt là nhiễm sâu bệnh cuối vụ.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất đang khẳng định là yêu cầu tất yếu ở Yên Tân, trở thành nhiệm vụ thường xuyên được Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể và mỗi người, mỗi nhà nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn về điều kiện tự nhiên, tận dụng những khía cạnh lợi thế để làm giàu cho nhân dân. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, xã Yên Tân cần quản lý sử dụng hợp lý đất công ích để người dân mở rộng mô hình trang trại tổng hợp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển gia trại đa dạng hoá cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tiến tới tập trung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung và vùng trồng cây công nghiệp xuất khẩu ven núi Thanh Mai nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác. Ngoài ra xã cũng cần sự hỗ trợ mang tính chuyên sâu trong việc nghiên cứu thổ nhưỡng để lựa chọn những mô hình kinh tế thích hợp sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa hình xen lẫn núi đất, ruộng trũng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com