Những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở Hải Xuân

07:08, 31/08/2017

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Xuân (Hải Hậu) xác định là yêu cầu quan trọng trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, các thành quả trong phát triển kinh tế của địa phương đã in đậm dấu ấn khoa học kỹ thuật.

Ông Phạm Hồng Hộ, xóm Trung, xã Hải Xuân chăm bón hoa hồng cổ trong nhà lưới.
Ông Phạm Hồng Hộ, xóm Trung, xã Hải Xuân
chăm bón hoa hồng cổ trong nhà lưới.

Để tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bên cạnh thực hiện quy hoạch đất đai, phân vùng sản xuất; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, xã Hải Xuân đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của các Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất. Đồng thời xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân áp dụng vào sản xuất. Qua đó, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng vào thực tế như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; canh tác lúa theo kỹ thuật hàng rộng, hàng hẹp và hiệu ứng hàng biên để tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; chăn nuôi an toàn sinh học… Tiêu biểu phải kể đến mô hình ứng dụng công nghệ sinh học lên men tỏi đen trên quy mô lớn của gia đình bác Nguyễn Thanh Thịnh, xóm Xuân Lập được các Sở KH và CN, NN và PTNT đánh giá cao về hàm lượng khoa học trong sản phẩm cũng như tính mới, tính sáng tạo và hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình. Tỏi đen là một loại sản phẩm thực dưỡng được chế biến lên men từ tỏi thông thường, có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức khỏe, điều trị một số bệnh tự miễn trong cơ thể... Khi nghe thông tin về sản phẩm này qua các phương tiện thông tin đại chúng, bác Thịnh đã lên mạng internet tìm hiểu nguyên lý hoạt động của thiết bị ủ tỏi đen rồi tự thiết kế thiết bị mới có công suất lớn, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa. Đồng thời đầu tư thêm kho lạnh để bảo quản nguyên liệu và sản phẩm. Nắm vững công nghệ sản xuất (khử khuẩn, tạo men, đảm bảo môi trường nhiệt độ ổn định khoảng 30 độ C suốt thời gian 70 ngày), lựa chọn nguyên liệu chất lượng từ những vùng sản xuất có uy tín như: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Sơn La, Thái Bình, Hải Hậu… nên sản phẩm tỏi đen do bác ủ lên men đạt chất lượng cao, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng thành phần do Bộ Y tế chứng nhận. Sản phẩm tỏi đen của gia đình bác đã được các Sở KH và CN, NN và PTNT hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, phát triển thị trường. Mô hình này đã thu hút rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập. Hiện tại mỗi năm gia đình bác Thịnh sản xuất vài tấn thành phẩm tỏi đen, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu róc tới đó. Ở xóm Bắc có hơn 100 hộ dân cùng làm nghề trồng hoa cây cảnh và trồng rau màu cũng năng động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hoa đa dạng, đẹp và hiệu quả kinh tế cao. Nghề trồng hoa chỉ xuất hiện ở xã Hải Xuân hơn mười năm trở lại đây khi người dân chuyển đổi những ruộng trồng lúa hiệu quả thấp. Nhưng do chịu khó học hỏi mà đến nay nghề trồng hoa của xã đã đạt tới trình độ cao không thua kém bất kỳ làng nghề lâu năm nào trong toàn tỉnh. Người dân làng nghề đã có thể trồng, tự nhân giống các loại hoa (cúc, hồng, lay ơn, ly, đồng tiền; các loại hoa ngoại nhập, cây lá màu…) hay thuần hóa những loại cây không hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như phong lan xứ lạnh, hoa mai vàng Nam Bộ, đại hồng môn… Nhiều hộ gia đình như các ông Phạm Văn Mạnh, Phạm Văn Bạo, Phạm Hồng Hộ xóm Bắc còn mạnh dạn đầu tư trồng hoa công nghệ cao trong nhà lưới, kho lạnh để bảo quản củ, hạt giống và điều tiết nhiệt độ cho quá trình nhân giống hoa và điều tiết cho hoa nở đúng độ. Ngoài hoa chính vụ, người dân Hải Xuân còn ứng dụng kỹ thuật trồng hoa tái sinh để có thêm thu nhập. Theo đó sau khi thu hoạch xong vụ hoa cúc vào dịp Tết, người trồng hoa cắt cây cách gốc khoảng 5cm rồi tăng cường chăm sóc để cây tiếp tục ra nhánh mới và cho hoa vào khoảng 65-70 ngày sau đó. Hoa tái sinh sản lượng không cao, chỉ bằng 40-50% hoa chính vụ nhưng vì không mất tiền giống, lại rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 45-50 ngày nên hiệu quả kinh tế vẫn rất cao. Cũng nhờ luôn tìm kiếm thông tin tiến bộ kỹ thuật nên người trồng hoa Hải Xuân còn luân canh giữa hai vụ hoa là một vụ rau màu ngắn ngày để vừa cải tạo đất, ngăn chặn sự phát triển và lưu truyền của các loại sâu bệnh gây hại cho hoa, lại vừa đa dạng cơ cấu cây trồng, tăng thêm thu nhập cho người dân. Chính vì thế hoa của Hải Xuân vừa đẹp lại lâu tàn do ít phải bổ sung dinh dưỡng thuốc hóa học nên thương lái tìm về tận vườn để mua, cung ứng đi các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa…, người trồng không phải lặn lội mang hoa ra chợ bán. Thu nhập bình quân đối với người trồng hoa đạt từ 40-50 triệu đồng/sào/năm, còn những hộ trồng 3 vụ/năm thì thu nhập lên đến 70 triệu đồng/năm. Nhờ đó, năm 2016, bình quân thu nhập của xã đã được nâng lên 34,7 triệu đồng/người; năm 2017 ước đạt 37 triệu đồng/người. Giá trị thu nhập bình quân trên diện tích đất canh tác năm 2016 đạt 147,10 triệu đồng/ha; thu ngân sách xã thực hiện cả năm đạt 7,235 tỷ đồng, tăng 54,3% so với kế hoạch huyện giao.

Để tiếp tục vận động nhân dân trong xã tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thời gian tới, xã Hải Xuân tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền; tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao để tạo bước đột phá trong sản xuất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com