Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị nông sản

08:06, 12/06/2017

Ứng dụng khoa học công nghệ  (KHCN), đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương là nhiệm vụ cấp thiết của các ngành, các cấp nói chung và ngành KH và CN nói riêng. Sau một thời gian nỗ lực đưa KHCN vào hỗ trợ sản xuất, một số nông sản địa phương đã thay đổi lớn cả về lượng và chất, góp phần quan trọng tạo đà cho tỉnh ta xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hiện đại và bền vững.

Để ứng dụng KHCN có trọng điểm, tạo dấu ấn về KHCN trong mỗi sản phẩm nông nghiệp, Sở KH và CN đã lựa chọn tập trung đầu tư vào những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương như lúa gạo, sản phẩm cây vụ đông, sản phẩm diêm nghiệp và nông sản chế biến… Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, giữ thương hiệu, chuyển dần từ “lượng” sang “chất”. Tiêu biểu phải kể đến sản phẩm muối của diêm dân xã Bạch Long (Giao Thủy). Hạt muối từ chỗ giá cả bấp bênh, không đủ nuôi sống diêm dân khiến người dân bỏ ruộng, chạy vạy đây đó làm thuê kiếm sống, sau khi được Bộ KH và CN hỗ trợ ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch, thay đổi quy trình sản xuất, đưa hạt muối Bạch Long trở thành “vàng trắng” với chất lượng cao hơn tiêu chuẩn muối thô theo tiêu chuẩn TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Đây là điều kiện cần để hạt muối Bạch Long tham gia vào bất cứ chuỗi tiêu thụ hiện đại nào trong và ngoài nước. Cũng từ sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng mà muối Bạch Long có thể sử dụng làm nguyên liệu chế biến ra nhiều sản phẩm dạng muối khác như bột canh, muối i-ốt, muối thực dưỡng… Nhờ đó muối được tiêu thụ ổn định với giá tăng lên 1,5-2 lần so với trước đây. Bình quân giá trị thu nhập trên 1ha đất làm muối của diêm dân Bạch Long đã tăng 7-8 triệu đồng so với trước. Thu nhập của người làm muối ứng dụng công nghệ đã được cải thiện rõ rệt. Bạch Long nhanh chóng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng cũng như chất lượng muối.

Chế biến muối sạch tại Cty TNHH Thanh Đạm xã Bạch Long (Giao Thủy).
Chế biến muối sạch tại Cty TNHH Thanh Đạm xã Bạch Long (Giao Thủy).

Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ của Cty CP Chế biến hải sản Nam Định, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) được ưa chuộng bởi chất lượng đảm bảo, độ đạm cao và không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình chế biến, bảo quản. Tuy nhiên nước mắm Ninh Cơ chỉ thích hợp với người dân địa phương hoặc dân cư khu vực nông thôn mà chưa được người tiêu dùng ở các thành phố lớn đón nhận, nên sản phẩm ít tham gia vào các kênh tiêu thụ hiện đại bởi duy nhất một nhược điểm là độ mặn cao và “nặng” mùi. Làm thế nào để khắc phục nhược điểm này mà vẫn giữ được các ưu điểm cốt lõi của sản phẩm? Đây có thể xem như “đơn đặt hàng” của Cty và người sản xuất mắm truyền thống ở Thị trấn Thịnh Long với người làm khoa học và các nhà quản lý. Sở KH và CN đã tập trung lựa chọn công nghệ để chuyển giao theo tiêu chí giữ nguyên quy trình chế biến tự nhiên, không phụ thuộc hóa chất nhưng phải giảm được độ mặn và giảm bớt mùi đặc trưng... Cuối cùng, công nghệ cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nước mắm dựa trên cơ sở khoa học bổ sung enzime tự nhiên nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy và loại bỏ đạm động vật gây mùi hôi trong quá trình sản xuất của Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN và PTNT) được lựa chọn để chuyển giao, giúp Cty CP Chế biến hải sản Nam Định khắc phục nhược điểm nêu trên của sản phẩm. Kết quả, bước đầu rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm truyền thống (từ 12 tháng xuống còn 9 tháng); tăng thời gian quay vòng vốn, giảm chi phí nhân công cho quá trình sản xuất. Đồng thời, giảm được 10-15% tổn thất đạm trong quá trình chế biến, do hạn chế đạm thối, rút ngắn thời gian ngâm ủ, khuấy đảo và nhanh lên hương. Kết quả khả quan đó đã giúp Cty CP Chế biến hải sản Nam Định xây dựng được quy trình công nghệ cải tiến, nâng cao chất lượng nước mắm Ninh Cơ. Đặc biệt sản phẩm đã khắc phục được hạn chế cố hữu lâu nay, đạt yêu cầu mùi “nhẹ” hơn và màu sắc sáng hơn. Cải tiến mang tính đột phá này đã giúp nước mắm Ninh Cơ mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại sản phẩm của Cty đã có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị trong toàn quốc.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Sở KH và CN đã thành công trong ứng dụng công nghệ cao đối với cây khoai tây, từ khâu chọn tạo nhân giống, cung ứng cho bà con nông dân, đến hỗ trợ công nghệ khâu chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương và giúp bà con nông dân tạo dựng thương hiệu khoai tây Nam Định khi sản lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Là địa phương có diện tích trồng khoai tây lớn trên cả nước, mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng 2.300-2.500ha khoai tây vụ đông, cho sản lượng mỗi vụ đạt trên 30 nghìn tấn. Tuy nhiên, do thói quen canh tác cũ là tự nhân giống, sử dụng giống không rõ nguồn gốc hoặc giống đã bị thoái hóa... nên năng suất khoai tây của tỉnh còn thấp, chất lượng không ổn định, dẫn tới đầu ra gặp nhiều khó khăn. Do đó, giá trị kinh tế đạt được từ trồng khoai tây chưa tương xứng với công sức của người trồng. Nhằm giúp bà con tháo gỡ khó khăn này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN) nghiên cứu thử nghiệm và nhân giống thành công 2 giống khoai tây Solara, Diamant nguyên chủng trong môi trường khí canh. Hai giống khoai này có khả năng chịu được môi trường nóng, ít sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu miền Bắc. Quy trình từ gieo trồng tới thu hoạch khép kín nên hầu như người trồng đã giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nước, phân bón... Đặc biệt giống khoai này thích nghi với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng địa phương cho năng suất cao và ổn định, củ có ruột vàng, mẫu mã đẹp, kích thước lớn, đáp ứng yêu cầu chế biến công nghiệp. Tiếp nối thành công, Sở KH và CN tiếp tục hỗ trợ đưa công nghệ sấy chân không để tạo ra sản phẩm khoai tây sấy mang đậm hương thơm, vị ngọt của khoai tây tươi và bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng trong miếng khoai tây sấy giòn tan. Đây là công nghệ sấy khô nông sản hiện đại nhất được đầu tư trong khu vực. Với công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất nên thành phẩm khoai tây sấy đã đạt những ưu điểm vượt trội như: giòn xốp, độ thẩm thấu dầu thấp; không đổi màu, không caramel hóa, giữ được màu, mùi vị tự nhiên của thực phẩm và đặc biệt là không bị vi khuẩn xâm nhập trong suốt quá trình chế biến. Sản phẩm nhanh chóng chinh phục khẩu vị của người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ nội địa và có nhiều cơ hội xuất khẩu. Cty TNHH Nông sản sấy khô Minh Dương (TP Nam Đinh) nhận chuyển giao công nghệ với công suất đạt trung bình 5 tấn một ngày và tiến tới nâng lên 18 tấn một ngày. Nhờ công nghệ nhân giống và công nghệ chế biến hiện đại, sản phẩm khoai tây đã được nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh với nông sản cùng loại, góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con địa phương.

Ứng dụng KHCN đang được xác định là vấn đề cốt lõi để ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản. Từ những ví dụ điển hình trên cho thấy ứng dụng KHCN là một trong những yếu tố then chốt giúp nông sản của tỉnh có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thời gian tới ngành KH và CN tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đưa nhanh tiến bộ KH và CN vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phấn đấu nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com