Bảo đảm an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

06:04, 01/04/2017
Theo Sở TT và TT, hiện nay, trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) phát triển toàn quốc và tỉnh ta đều phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng. Hệ thống mạng CNTT và viễn thông trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng liên lạc cơ yếu của Chính phủ điện tử có nguy cơ bị gia tăng các cuộc tấn công có chủ ý, sử dụng công cụ tin học, kỹ thuật thu tin mã thám để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật Nhà nước, giả mạo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy. Trên thực tế, tại tỉnh ta những năm gần đây đã xảy ra tình trạng một số cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ngành đã bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, nội dung thông tin; tuy đã được xử lý, khắc phục kịp thời sự cố nhưng ít nhiều vẫn gây ra các thiệt hại nhất định.
 
Trước thực trạng trên, theo tinh thần thống nhất trên toàn quốc, tỉnh ta xác định song song với việc nỗ lực triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, ngành chức năng và chính quyền các cấp phải chú trọng thực hiện yêu cầu bảo mật và an toàn thông tin. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, Sở TT và TT đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về triển khai Chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin. Sở đã triển khai đồng bộ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin. Trong đó, chú trọng hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an ninh thông tin; phổ biến việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin như Luật An toàn thông tin mạng, các nghị định hướng dẫn cùng các văn bản luật khác như Luật Cơ yếu, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước... Hằng năm tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nhằm cập nhật, nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các cán bộ chuyên trách, cán bộ phụ trách CNTT tại các đơn vị, cung cấp kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức tỉnh. Đến nay hệ thống hạ tầng và ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị được triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin mạng như: trang bị phần cứng, hướng dẫn quản lý, vận hành; cài đặt chương trình diệt vi-rút, sao lưu dữ liệu… Hệ thống chữ ký số chuyên dùng từng bước được triển khai phục vụ công tác xác thực, đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch điện tử hướng tới triển khai các ứng dụng CNTT chất lượng cao. 
Cán bộ Trung tâm Tin học (Sở TT và TT) kiểm tra thiết bị, bảo đảm an toàn thông tin Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Tin học (Sở TT và TT) kiểm tra thiết bị, bảo đảm an toàn thông tin Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan Nhà nước, tỉnh ta tiếp tục coi trọng công tác đảm bảo an ninh thông tin mạng. Lồng ghép và thực hiện đồng bộ nội dung đảm bảo an toàn thông tin mạng với các nội dung xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực trong hoạt động CNTT của các cơ quan Nhà nước. Định kỳ hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng tại các cơ quan, đơn vị; đảm bảo các dự án ứng dụng CNTT được triển khai bắt buộc phải có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ cập, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng đến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp đối với vấn đề bảo đảm an toàn thông tin mạng, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử bền vững. Rà soát, cập nhật, ban hành các quy định mới về đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan Nhà nước. Tăng cường quản lý thông tin trên internet; triển khai thí điểm các tiêu chuẩn quản lý an toàn thông tin mạng tại một số cơ quan Nhà nước nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố, khắc phục kịp thời khi sự cố xảy ra. Triển khai các hoạt động giám sát, cảnh báo, hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2020, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin mạng cho toàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, nâng cao, thay thế các thiết bị bảo đảm an toàn thông tin mạng; đầu tư trang thiết bị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin đối với việc mua sắm, nâng cấp, đầu tư mới trang thiết bị CNTT. Trong đó, chú trọng đầu tư cho hệ thống trọng yếu của tỉnh như: trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống mạng diện rộng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các hệ thống quan trọng khác. Tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên trách, cán bộ phụ trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu hoạt động của Nhà nước đối với lĩnh vực CNTT, quản lý và vận hành hệ thống thông tin của tỉnh. Đào tạo cán bộ chuyên gia về CNTT của tỉnh theo các chương trình ngắn hạn và dài hạn, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin mạng, quản lý dự án và một số lĩnh vực khác nhằm tổ chức, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án; đảm bảo an toàn thông tin mạng, chống lộ, lọt thông tin. Thành lập tổ ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính nhằm hỗ trợ và giải quyết các sự cố máy tính; tham gia các hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố máy tính trên toàn quốc do Bộ TT và TT chủ trì nhằm ứng phó kịp thời trong trường hợp sự cố mất an toàn thông tin mạng xảy ra. Phối hợp với Bộ TT và TT trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan, tăng cường hợp tác với các địa phương, tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thông tin mạng./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com