Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ở Mỹ Hà

07:05, 26/05/2016
Là xã thuần nông, làm ruộng vườn vốn không khó với người dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Nhưng trong điều kiện diện tích canh tác ngày càng thu hẹp, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác, Đảng ủy, UBND xã đã định hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào từng khâu sản suất, giúp người dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Chăm sóc cá trắm đen tại trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Công Quyên, thôn Nội, xã Mỹ Hà.
Chăm sóc cá trắm đen tại trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Công Quyên, thôn Nội, xã Mỹ Hà.
Để tạo điều kiện cho người dân chủ động ứng dụng tiến bộ KHKT, xã đã tập trung vào 3 mũi nhọn: hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất và tập huấn, chuyển giao KHKT. Toàn bộ diện tích canh tác của xã được quy hoạch thành 3 vùng chuyên canh chính gồm: vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng trồng màu. Đồng thời huy động mọi nguồn lực bê tông hóa đường giao thông thôn xóm và đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo đúng tiêu chí NTM để thuận tiện cho việc điều tiết nước và vận chuyển, thu mua nông sản ngay tại ruộng. Trong đó, xã đã đầu tư trên 700 triệu đồng làm mới 1km đường bê tông từ thôn Đồng Vu ra thôn Cầu Đất để thuận tiện vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa của các trang trại, gia trại tại khu đất chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản. UBND xã cũng chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất từ các kênh Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH và của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Toàn xã hiện có khoảng 600 hộ gia đình được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ lên đến gần 35 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, UBND xã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi toàn quốc tổ chức hàng chục buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân địa phương. Nhờ đó nhiều tiến bộ KHKT được ứng dụng vào hầu hết các khâu sản xuất của xã. Trong canh tác lúa, kỹ thuật gieo sạ hàng được sử dụng trên 98% diện tích; cơ bản sử dụng phân bón nhả chậm thế hệ mới thay cho phân bón hóa học đơn thuần. Đặc biệt UBND xã đã khuyến khích nhân dân sản xuất lúa theo quy trình VietGAP trên quy mô cánh đồng lớn với tổng diện tích 50ha. Vụ xuân 2016, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Gạo Việt (Tổng Cty Lương thực miền Bắc) đã ký hợp đồng trực tiếp với HTXDVNN Mỹ Hà xây dựng cánh đồng nguyên liệu với diện tích 20ha để gieo cấy giống lúa Bắc thơm 7. Theo đó, người dân tham gia dự án thực hiện quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm” gồm: Phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo, giảm nước tưới, giảm thuốc BVTV, giảm phân bón, giảm tổn thất sau thu hoạch. Trong suốt quá trình sản xuất, còn có sự giám sát kỹ thuật chặt chẽ của đội ngũ cán bộ khuyến nông xã và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, nhờ đó các hộ dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, hơn thế, quy trình canh tác trên cánh đồng lớn còn góp phần thay đổi thói quen canh tác cũ lạc hậu làm thất thoát nguồn nước mặt, nước ngầm, lãng phí nguồn lợi thiên địch tự nhiên trong phòng chống sâu bệnh hại lúa. Trong phát triển kinh tế trang trại, trên 30ha đất trũng cấy lúa kém hiệu quả được các hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại, gia trại tổng hợp nuôi thủy sản như cá trắm đen, cá sộp, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nhãn tiêu, vải thiều, mít, chuối ngự… Tiêu biểu như trang trại của gia đình các ông: Trần Công Phúc, Trần Văn Minh, Trần Công Lộc…  Trang trại của anh Trần Văn Quyên, xóm 1 là một trong những trang trại điển hình về mô hình chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao của vùng chuyển đổi. Với diện tích hơn 2ha, anh Quyên đã đầu tư đào 9 ao nuôi cá với tổng diện tích mặt nước trên 1ha; vùng bờ bãi còn lại anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà và trồng cây ăn quả. Dưới ao, anh tập trung nuôi cá trắm đen phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân quanh vùng vào các dịp lễ, Tết… Mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt hàng tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của anh còn thường xuyên nuôi lợn nái kết hợp trồng cây cảnh và một số loại cây ăn quả… Ngoài phát triển trang trại ở vùng nuôi thủy sản tập trung, đến nay, trên địa bàn toàn xã có khoảng 120 trang trại, gia trại; trong đó 13 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định. Tổng đàn lợn của xã ước đạt gần 6.000 con; tổng đàn gà, vịt là 25.800 con. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã được mở rộng lên 88ha, chủ yếu là nuôi cá truyền thống, sản lượng cá ước đạt 345,5 tấn/năm. Đặc biệt do áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên xã Mỹ Hà đã dần xây dựng được thương hiệu cho một số nông sản như gạo sạch, cá trắm đen, chuối ngự và hoa tươi uy tín đối với người tiêu dùng khu vực miền Bắc.
 
Với việc mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT, thay đổi tư duy và thói quen trong sản xuất nông nghiệp, nông dân xã Mỹ Hà đã và đang chứng minh họ là những người nông dân mới của NTM có thể làm giàu ngay trên đồng đất quê hương. Các hộ nông dân từng bước ứng dụng công nghệ, quy trình chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời đã có ý thức thực hiện liên kết sản xuất theo nhóm để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó UBND xã cũng đang nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn những công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện đồng đất địa phương và tìm đối tác ổn định đầu ra cho nông sản./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com