Hiệu quả kép trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở Giao Phong

09:03, 29/03/2016
Xã Giao Phong (Giao Thủy) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản. Để phát huy lợi thế đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung hỗ trợ, động viên nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của xã đạt 300-400 triệu đồng/năm.
 
Để có được kết quả này, thời gian qua, xã Giao Phong đã tập trung rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng để khai thác hiệu quả đất đai. Theo đó, quy hoạch vùng trồng lúa theo yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; vùng trồng rau màu với tổng diện tích 218ha; vùng nuôi trồng thủy, hải sản 145ha và vùng sản xuất muối với tổng diện tích 50ha. Với mỗi vùng sản xuất, xã lại quy hoạch chi tiết về hệ thống thủy lợi tưới tiêu, cơ cấu mùa vụ, con nuôi để thuận tiện chỉ đạo, chăm sóc và thu mua sản phẩm. Xã huy động mọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất. Đến nay, trên 90% kênh mương cấp 3 do xã quản lý được xây dựng kiên cố, đảm bảo vận hành tưới tiêu phục vụ sản xuất hiệu quả, không thất thoát, lãng phí nước. Đồng thời vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong xã xây mới 3 trạm biến áp tổng công suất 1.680KVA với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng phục vụ hệ thống nuôi tôm công nghiệp. Hiện tại, xã đang triển khai dự án đầu tư hạ tầng khu nuôi tôm công nghiệp với kinh phí 60 tỷ đồng. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, UBND xã còn tích cực hỗ trợ nhân dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ sản xuất. Xã phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và các đơn vị liên quan tổ chức 27 lớp tập huấn trồng rau, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho trên 1.000 người dân. Tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất rau màu ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Phong trào ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất ở Giao Phong đã phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều lĩnh vực. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, nuôi thủy, hải sản đã được người dân thực hiện thành thục. Người dân đã tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, xen vụ và ưu tiên sản xuất rau màu trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao. Tại vùng ruộng màu, xã chọn cây khoai tây làm cây chủ đạo, còn chân đất màu vườn, chọn cây lạc làm cây chủ lực; các loại rau màu khác được luân canh với hệ số sử dụng đất 4-5 vụ/năm. Hầu hết diện tích rau, màu được áp dụng quy trình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trồng cây vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu, góp phần giảm nhân công, thời gian và chi phí phân bón cho cây trồng.  Nhiều hộ đã lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động ngay tại ruộng tạo thuận tiện cho việc chăm bón rau màu.
Kiểm tra chất lượng ốc hương tại Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong.
Kiểm tra chất lượng ốc hương tại Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong.
Sản phẩm rau màu của Giao Phong như khoai tây, lạc, củ cải, dưa cải sen, bắp cải, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu… đảm bảo tiêu chí chất lượng cao, được các Cty phân phối, chế biến rau củ quả lớn trên toàn quốc về thu mua tại ruộng với giá cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại khác. Trung bình mỗi năm xã xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 tấn rau màu, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản còn diễn ra sôi động hơn ở các khâu như đa dạng hóa con nuôi; sản xuất con giống; sử  dụng chế phẩm sinh học trong xử lý ao nuôi; áp dụng các giải pháp cải tiến quy trình xử lý môi trường ao nuôi, gây tảo và quy trình nuôi tôm theo từng giai đoạn. Hiện tại trong tổng số 145ha nuôi thủy sản của xã thì có tới 80ha nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Sản lượng thủy sản trung bình hằng năm ước đạt 350 tấn, trong đó riêng sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt 320 tấn. Gia đình ông Cao Văn Ba là một trong những hộ điển hình mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào nuôi thủy sản. Với hàng chục năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Ba đã đầu tư 6ha nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp; xây dựng mái che cho ao nuôi để chủ động điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, hạn chế các loại thiên địch gây bệnh cho con nuôi thủy sản và đảm bảo yếu tố kỹ thuật cho con nuôi trái vụ. Do vậy, năng suất đạt cao từ 25 tấn đến 30 tấn/ha/năm. Cty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất giống tôm, ngao, cua biển, cá bống bớp, cá hồng mỹ cung ứng cho các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh cũng như nuôi thương phẩm các loại thủy đặc sản như ốc hương, sò huyết, tu hài, hàu… xuất bán ra thị trường. Trung bình mỗi năm Cty đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. 
 
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 31 triệu đồng/năm. Giao Phong còn trở thành địa chỉ tin cậy của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các viện nghiên cứu chuyên ngành mỗi khi muốn nghiên cứu chuyên sâu về sản xuất con giống, nuôi trồng thủy, hải sản cũng như triển khai các dự án khoa học liên quan. Đây chính là lợi thế thứ hai sau hiệu quả kinh tế từ việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại cho Giao Phong. Thời gian tới, xã tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với các loại hình dịch vụ, du lịch biển./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com