Hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

07:05, 16/05/2013

Những năm qua phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng giải pháp gia cố nền bằng giằng cốt thép cho công trình khí sinh học tại xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Áp dụng giải pháp gia cố nền bằng giằng cốt thép cho công trình khí sinh học tại xã Liên Bảo (Vụ Bản).

Để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất đạt kết quả cao, các cơ quan, đơn vị đều có chế độ khuyến khích, tạo động lực cho người lao động như: tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí đầu tư nguyên vật liệu xây dựng mô hình, tăng lương trước thời hạn… Chất lượng các sáng kiến được ứng dụng ngày càng được nâng cao cả về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng trong sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Năm 2012, toàn tỉnh có 4.000 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có 1.873 sáng kiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, 2.127 sáng kiến ứng dụng trong lĩnh vực quản lý. Các địa phương, đơn vị có phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sôi nổi, thu hút nhiều CNVC - lao động tham gia là Thành phố Nam Định, các huyện: Hải Hậu, Trực Ninh; các ngành: GD và ĐT, Công thương, Y tế… Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đã xét, công nhận và trao giải cho 58 sáng kiến tiêu biểu trên 5 lĩnh vực công nghiệp, GD và ĐT, NN và PTNT, quản lý và tổng hợp. Trong đó, ngành GD và ĐT có 6 sáng kiến kinh nghiệm ở các cấp học, ngành học được công nhận sáng kiến cấp tỉnh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường giáo dục hướng nghiệp cho học sinh… Tiêu biểu là các sáng kiến "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - góc nhìn từ đơn vị cơ sở" của tác giả Cao Xuân Hùng, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định), "Kinh nghiệm chỉ đạo công tác bồi dưỡng học sinh giỏi" của tác giả Đinh Thị Thủy, Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), "Rèn luyện phẩm chất trí tuệ cho học sinh thông qua việc giảng dạy môn Đại số lớp 9" của tác giả Nguyễn Công Minh, Trường THCS Nam Hoa (Nam Trực). Đặc biệt “Giải pháp hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Vật lý THPT" của tác giả Bùi Quang Nhật, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX Trần Phú được áp dụng và phổ biến giảng dạy ở hệ GDTX trong toàn tỉnh và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Với tính năng khâu nối hoàn chỉnh từ bài giảng đến đề thi và đáp án, giải pháp hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Vật lý THPT không chỉ giúp học sinh ôn tập đầy đủ kiến thức, dễ hiểu mà còn giúp các thầy, cô giáo soạn giáo án với nhiều cách khác nhau và có thể ra hàng chục đề thi vật lý từ dễ đến khó, phù hợp với thời gian ôn luyện và lực học của học sinh. Bên cạnh đó, phần đáp án của các đề thi cũng được soạn theo nguyên tắc mã đề và mã câu hỏi trong đề thi, giúp giáo viên chấm bài nhanh, độ chính xác cao và tiết kiệm chi phí in ấn. Ngoài giải pháp hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp môn Vật lý THPT, tác giả Bùi Quang Nhật còn thành công trong việc xây dựng mô hình thí nghiệm máy phát điện xoay chiều ba pha bằng sức gió phục vụ thí nghiệm môn Vật lý trong nhà trường, giúp học sinh dễ dàng hiểu bài, thu hút sự  chú ý và kích thích tính sáng tạo của học sinh, chất lượng giờ học được nâng lên. Mô hình đã khẳng định  tính hiệu quả và được sử dụng thuận tiện trong các trường học và các trường chuyên nghiệp trong toàn quốc. Hiện tại mô hình đã đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) và đang thí điểm sử dụng làm vật liệu tái tạo năng lượng ở khu vực miền Trung thay cho máy phát điện chân cao đang sử dụng hiện nay.

Nhiều sáng kiến trong lĩnh nông nghiệp, công nghiệp, quản lý hành chính cũng đã mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội. Tiêu biểu như sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng Mastercam - phần mềm thiết kế công nghệ CAD/CAM điều khiển máy CNC” của nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật công nghệ Trường Đại học Lương Thế Vinh; “Nuôi thương phẩm cá chạch đồng bằng thức ăn tự chế” của tác giả Nguyễn Châu Long (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh); “Giải pháp thu gom chất thải y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi” của tác giả Bùi Thị An Ninh (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh)... đã được áp dụng và phát huy hiệu quả vào thực tế sản xuất. Trong đó sáng kiến “Gia cố tăng cường độ chịu lực cho tường chịu lực bể phân giải của công trình khí sinh học bằng cách giằng cốt thép” của tác giả Nguyễn Trung Thành (Trung tâm nước sạch VSMT nông thôn - Sở NN và PTNT) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn hạn chế nguy cơ nứt gẫy công trình khí sinh học ở các khu vực, vị trí có nền địa chất yếu. Với giải pháp kỹ thuật bổ sung hai giằng bê tông cốt thép nhằm tăng độ chịu lực cho bể phân giải của công trình khí sinh học tránh được hiện tượng lún, nứt bể, đảm bảo cho công trình khí sinh học hoạt động bền vững, không chỉ đảm bảo cho công trình bể khí sinh học hoạt động an toàn, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi mà còn tiết kiệm chi phí chất đốt, điện sinh hoạt cho các hộ dân.

Phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã thực sự tạo động lực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com