Hồi chuông cảnh báo

08:05, 11/05/2022

Giới chức châu Âu đang nỗ lực tăng cường bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sau thông tin điện thoại di động của Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha bị theo dõi bằng phần mềm gián điệp Pegasus.

Theo NBC News, tại cuộc họp báo khẩn vào đầu tuần này, Chánh văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Felix Bolanos cho biết, điện thoại di động của Thủ tướng nước này Pedro Sánchez bị Pegasus xâm nhập hai lần vào tháng 5-2021 và điện thoại của Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles cũng bị xâm nhập một lần vào tháng 6 cùng năm. 

Theo ông Bolanos, các vụ xâm nhập đã khiến một lượng dữ liệu đáng kể bị rò rỉ. Các báo cáo chi tiết về vụ việc đã được chuyển đến Tòa án Tây Ban Nha để điều tra thêm.“Chúng tôi tin rằng đây là một sự can thiệp bất hợp pháp, trái phép. Vụ xâm nhập này được thực hiện từ các tổ chức bên ngoài”, ông Bolanos nhấn mạnh. Tại Tây Ban Nha, các cơ quan chính phủ chỉ được sử dụng phần mềm Pegasus trong một số hoạt động khi được cấp phép.

Là phần mềm gián điệp do Tập đoàn công nghệ NSO có trụ sở tại Israel phát triển, Pegasus được thiết kế để xâm nhập vào điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android và iOS rồi biến chúng thành thiết bị giám sát 24 giờ. Theo The Guardian, Pegasus có thể là một trong những phần mềm gián điệp mạnh nhất từng được tạo nên. Sau khi xâm nhập, phần mềm này có thể truy cập vào mọi thứ trên điện thoại và thu thập bất kỳ dữ liệu nào mà người cài đặt chúng mong muốn. Pegasus có thể lấy cắp ảnh và video, bản ghi âm, thông tin liên lạc, lịch sử tìm kiếm trên web, mật khẩu, nhật ký cuộc gọi và các bài đăng trên mạng xã hội. Nó cũng có khả năng kích hoạt camera và micro của điện thoại mà chủ sở hữu không biết. Đáng chú ý, Pegasus có thể xâm nhập điện thoại thông qua kiểu tấn công “zero-click”(không nhấp chuột), không yêu cầu nạn nhân phải nhấn vào đường link. 

Phía NSO khẳng định, Pegasus chỉ được bán cho các cơ quan chính phủ để đối phó với các nhóm tội phạm và khủng bố. Tuy nhiên, tập đoàn này liên tục hứng chỉ trích, bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Pegasus là tâm điểm của vụ bê bối hồi năm ngoái sau khi một danh sách khoảng 50 nghìn mục tiêu theo dõi trên toàn thế giới bị rò rỉ, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia, nhà báo, chính trị gia, luật sư... Tháng 11-2021, Mỹ đã đưa tập đoàn NSO vào “danh sách đen” thương mại vì cho rằng phần mềm Pegasus có thể giúp thực hiện chương trình do thám xuyên quốc gia.

Tờ Politico nhận định, Thủ tướng Tây Ban Nha là nạn nhân đầu tiên của phần mềm gián điệp trên cương vị là người đứng đầu một quốc gia châu Âu và một nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đây là lời cảnh báo rõ ràng rằng ngay cả điện thoại của các nhà lãnh đạo quyền lực cũng không an toàn trước gián điệp kỹ thuật số. Theo Politico, một loạt các bằng chứng cho thấy hoạt động theo dõi thông qua việc sử dụng phần mềm gián điệp đã xuất hiện tại châu Âu trong những tháng gần đây. 

Hồi tháng 1 năm nay, Bộ Ngoại giao Phần Lan thông báo điện thoại di động của nhiều nhà ngoại giao nước này bị phần mềm Pegasus theo dõi. Các quan chức hàng đầu của EU và nhân viên Chính phủ Anh cũng có thể đã bị nhắm thành mục tiêu theo dõi bằng Pegasus. Ngoài ra, cũng có tài liệu về việc sử dụng Pegasus ở Ba Lan và Hungary. Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPS) đã kêu gọi cấm phát triển và triển khai các phần mềm gián điệp có khả năng như Pegasus để bảo vệ các quyền tự do cơ bản, dân chủ và pháp quyền.

Các nhà lập pháp châu Âu hy vọng vụ việc Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha bị theo dõi bằng Pegasus sẽ thúc đẩy các nước thành viên EU nhanh chóng đạt được đồng thuận về việc ngăn chặn phần mềm gián điệp ở “lục địa già”. Theo tờ El País, một ủy ban điều tra do Nghị viện châu Âu (EP) thành lập đang chuẩn bị cho cuộc họp trong thời gian sớm nhất để điều tra về việc sử dụng Pegasus và các phần mềm gián điệp tương đương. Ông Juan Fernando López Aguilar, thành viên ủy ban điều tra nhận định, cần phải quản lý Pegasus bởi phần mềm này ảnh hưởng đến các quyền được bảo vệ trong Hiến chương về các quyền cơ bản của EU. Về phần mình, bà Saskia Bricmont, một thành viên khác của ủy ban điều tra cho biết:“Nền dân chủ của chúng ta và an ninh của EU đang bị đe dọa. Điều này đòi hỏi phản ứng kiên quyết từ các cơ quan chức năng châu Âu”./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com