Chất keo trám những "lỗ hổng"

08:01, 26/01/2022

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lạm phát dai dẳng và mức nợ tài khóa kỷ lục đang đe dọa cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới và chỉ có hợp tác toàn cầu mới có thể đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ.  Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ.

Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Thông điệp đó đã được nhiều nhà lãnh đạo nêu rõ trong các phát biểu tại tuần lễ Chương trình nghị sự Davos năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, dưới hình thức trực tuyến. Đây cũng là tinh thần đã được thể hiện rõ suốt 2 năm qua, khi dịch bệnh liên tục ảnh hưởng tới các hội nghị của WEF.

Việc sự kiện thường niên này năm thứ hai liên tiếp không thể diễn ra trực tiếp một lần nữa cho thấy tác động của dịch bệnh đối với hợp tác quản trị toàn cầu. Bên cạnh đó, bất chấp nền kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn suy thoáí, những hệ lụy của tình trạng chia rẽ và bất bình đẳng vẫn đang tạo ra nhiều rào cản. Ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cao và hỗ trợ tài chính đáng kể đã giúp giảm bớt một số tác động kinh tế bất lợi của đại dịch. Ngược lại, tốc độ phục hồi của các quốc gia mới nổi lại bị cản trở do chính sách hỗ trợ suy yếu và điều kiện tài chính bị thắt chặt. Trong quá trình hồi phục, các nước thu nhập thấp cũng gặp phải thách thức lớn từ lạm phát, tài chính eo hẹp, lãi suất cao, giá thực phẩm và năng lượng tăng... WB dự đoán tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm từ 5% năm ngoái xuống còn 3,8% trong năm nay và 2,3% năm 2023. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chậm lại ở mức 4,6%, thấp hơn so với con số 6,3% của năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% năm 2023.

Như đánh giá của Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, chính cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã bộc lộ những “lổ hổng” trong các hệ thống, từ y tế, kinh tế, tài chính tới năng lượng, cho thấy nhiều điều đang bị lỗi thời và không còn phù hợp với thế kỷ 21. Bởi  vậy, ngoài vấn đề ứng phó với đại dịch, thế giới cần tìm cách “trám” những lỗ hổng như vậy thông qua cải tổ và định hình hệ thống cho kỷ nguyên hậu COVID-19, mà các cuộc thảo luận trong khuôn khổ WEF chính là cơ hội để bàn thảo chủ đề này.

Qua phát biểu của các nhà lãnh đạo tại WEF năm nay, có thể thấy nhìn chung các đại biểu đều đạt được đồng thuận về việc chỉ có hợp tác toàn cầu mới có thể đưa thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhà sáng lập WEF Klaus Schwab cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cần phải đổi mới phương thức hợp tác và hành động một cách có hệ thống trên quy mô toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định cần sự chung tay của tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, giúp hình thành một hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động cho tất cả các quốc gia, nhất là khi thế giới đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế. 

Giới chuyên gia nhận định năm 2022 sẽ lại là năm đầy thách thức đối với các nền kinh tế. Rủi ro và nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu đối diện sẽ gia tăng, khiến kinh tế thế giới có thể mất đà phục hồi. Ngoài những tác động lâu dài của dịch bệnh, lạm phát đang là yếu tố ảnh hưởng. Số liệu thực tế cho thấy, từ giữa năm 2021 đến nay, lạm phát của Mỹ và châu Âu liên tục tăng mạnh, trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 11-2021 của Mỹ là 6,8%, mức cao nhất trong 40 năm qua.

Con số này của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 5%, cũng là mức cao nhất trong 25 năm. Trong khi đó, nợ công toàn cầu tăng cao kỷ lục và hiện đã vượt quá 226 nghìn tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt trong năm 2022, giảm còn 4,1% so với mức 5,5% của năm 2021 và thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm 2023 khi các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính ban hành trong thời gian đại dịch.

Cùng với khủng hoảng sức khỏe và kinh tế do dịch COVID-19, biến đổi khí hậu cũng là vấn đề nổi cộm. Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022 của WEF công bố ngay trước thềm tuần lễ chương trình nghị sự năm nay đã một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn.

Trên cơ sở nhận thức chung rằng hợp tác sẽ là “chất keo” để trám những lỗ hổng, hóa giải hiệu quả những rủi ro và tránh được những nguy cơ, sự kiện WEF năm nay, với chủ đề “Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin”,  tập trung vào việc thúc đẩy hành động phối hợp giữa các nước trên thế giới cũng như giữa các chính phủ và giới doanh nghiệp. Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã hối thúc tinh thần đoàn kết và chia sẻ trên cả 3 lĩnh vực đang tạo ra thách thức đối với thế giới.

Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF được tổ chức rất thành công, các giám đốc điều hành (CEO) toàn cầu và cộng đồng doanh nghiệp đã có những phản hồi tích cực với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi chia sẻ về khát vọng, kế hoạch, mục tiêu phát triển của đất nước. Điều đó cũng chính là sự thể hiện niềm tin của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam, đối với triển vọng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. 

Có thể thấy rằng, chặng đường để ổn định nền kinh tế thế giới còn dài, song tinh thần hợp tác “Cùng nhau làm việc - Khôi phục lòng tin” được kỳ vọng sẽ tạo thành chất keo vững chắc để trám những lỗ hổng đang đe dọa sự phục hồi, đồng thời có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo tìm ra những giải pháp sáng tạo và mạnh mẽ để dẫn dắt một quá trình phục hồi bền vững trong tương lai./.

Theo baotintuc.vn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com