10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021

09:01, 27/01/2022

Nhiều nước chuyển sang sống chung an toàn với COVID-19; ASEAN nỗ lực tìm giải pháp cho ổn định và phát triển khu vực; Khủng hoảng năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu… là những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021 do Báo Nam Định bình chọn. 

1. Nhiều nước chuyển sang sống chung an toàn với COVID-19

Các biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta và Omicron, khiến đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với gần 280 triệu ca mắc và trên 5,4 triệu ca tử vong trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược sang chung sống với COVID-19.  Ảnh: Reuters

Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược sang chung sống với COVID-19.

Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế thế giới đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp 10 loại vắc-xin ngừa COVID-19. Nhiều nước đã điều chỉnh từ chính sách “không ca mắc” sang “sống chung an toàn với COVID-19”, đẩy mạnh tiêm chủng đại trà và áp dụng quy định bắt buộc tiêm vắc-xin nhằm kiểm soát dịch bệnh, giúp kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi vào những tháng cuối năm. 

2. Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi nhiều chính sách của người tiền nhiệm 

Với chủ trương “kết thân đối tác, thăm dò đối thủ”, Tổng thống Joe Biden đã từ bỏ nguyên tắc “nước Mỹ trước tiên”, thay đổi, thậm chí đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm. 

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ nhậm chức. Ảnh: CNN

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại lễ nhậm chức.

Ảnh: CNN

Về đối nội, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD, đề xuất kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD, thúc đẩy thông qua hai dự luật về siết chặt kiểm soát súng đạn và thực hiện một số cam kết về vấn đề nhập cư.

3. ASEAN nỗ lực tìm giải pháp cho ổn định và phát triển khu vực

ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về giải quyết tình hình Myanmar, nhất trí thúc đẩy hợp tác ứng phó với COVID-19, khôi phục kinh tế và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. 

Cảnh sát chống bạo động tại thành phố Yangon của Myanmar.  Ảnh: AP

Cảnh sát chống bạo động tại thành phố Yangon của Myanmar.

Ảnh: AP

ASEAN cũng ghi dấu ấn về đối ngoại với việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Australia, trao quy chế Đối tác đối thoại đầy đủ cho Vương quốc Anh, thể hiện vai trò trung tâm của Hiệp hội trong hợp tác với các đối tác, tổ chức bên ngoài khu vực.

4. Kênh đào Suez bị tê liệt

Giới chức Ai Cập đã nỗ lực huy động nhiều tàu kéo và máy xúc để giải cứu siêu tàu container Ever Given.  Ảnh: AFP

Giới chức Ai Cập đã nỗ lực huy động nhiều tàu kéo và máy xúc để giải cứu siêu tàu container Ever Given.

Ảnh: AFP

Ngày 24-3-2021, lần đầu tiên kể từ khi được khánh thành từ năm 1869, kênh đào Suez bị tê liệt hoàn toàn khi tàu Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200 nghìn tấn, bị mắc cạn ở đây. Thương mại toàn cầu bị thiệt hại khoảng 6-10 tỷ USD trong một tuần kênh đào không hoạt động, còn Ai Cập thất thu khoảng 12-14 triệu USD mỗi ngày. Cuối cùng, tàu Ever Given được giải cứu vào ngày 29-3 và mọi hoạt động qua kênh đào trở lại trạng thái bình thường.

5. Nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn được tổ chức trở lại 

Sau 1 năm bị hoãn vì COVID-19, Thế vận hội mùa Hè Olympic 2020 và Thế vận hội thể thao người khuyết tật Paralympic 2020 đã được tổ chức tại Nhật Bản từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9-2021. 

Quang cảnh lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 tại sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản 8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quang cảnh lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 tại sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản 8-2021.

Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tháng 6 và tháng 7 cũng đã diễn ra Giải bóng đá vô địch châu Âu EURO 2020 tại 11 thành phố của châu Âu và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America 2021 tại Brazil... Việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn trên quy mô toàn cầu đã giúp cho lĩnh vực này dần hồi phục, mang lại năng lượng tích cực cho những người hâm mộ sau thời gian dài chờ đợi do đại dịch COVID-19.

6. Taliban kiểm soát Kabul

Lực lượng Taliban kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan tại Kabul, ngày 15-8-2021.   Ảnh: AP/TTXVN

Lực lượng Taliban kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan tại Kabul, ngày 15-8-2021.

Ảnh: AP/TTXVN

Ngày 15-8-2021, lực lượng Taliban tiến vào Thủ đô Kabul của Afghanistan mà gần như không gặp phải sự chống trả nào của phe chính phủ. Taliban đã thành lập chính phủ lâm thời nhưng chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Tài sản ở nước ngoài của Afghanistan bị phong tỏa và quốc gia 14 triệu dân này đang đối mặt với một thảm họa nhân đạo.

7. Khủng hoảng năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Hơi nước bốc ra từ các tháp làm mát tại một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.  Ảnh: CNN

Hơi nước bốc ra từ các tháp làm mát tại một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.

Ảnh: CNN

Tình trạng thiếu hụt năng lượng và gián đoạn chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu ảnh hưởng nặng nề đến việc cung cấp và phân phối nhiều loại hàng hóa. Giá dầu, khí đốt và than đá tăng vọt, đẩy giá điện phi mã, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát leo thang. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế thế giới.

8. Bốn nhiệm kỳ ấn tượng của bà Angela Merkel

Bà Angela Merkel tại một sự kiện của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo cuối tháng 9-2021. Ảnh: REUTERS

Bà Angela Merkel tại một sự kiện của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo cuối tháng 9-2021.

Ảnh: REUTERS

Ngày 8-12, bà Angela Merkel kết thúc 4 nhiệm kỳ Thủ tướng Đức với tổng thời gian cầm quyền 16 năm. Bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức vượt qua nhiều cơn sóng gió như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công tại nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu hay cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015. Nước Đức dưới sự dẫn dắt của “cỗ máy đàm phán” Angela Merkel đã gặt hái được nhiều thành công. 

9. COP26 với những cam kết mạnh mẽ

Các đại biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị COP26 tại Glasgow, Anh, ngày 8-11-2021.   Ảnh: AFP/TTXVN

Các đại biểu tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị COP26 tại Glasgow, Anh, ngày 8-11-2021.

Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 14-11-2021 với việc 197 nước tham gia Công ước tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. 

Tại hội nghị, hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane.

10. Quan hệ Nga - Ukraine căng thẳng

Nga điều động lực lượng áp sát biên giới miền Đông Ukraine, khiến quan hệ Nga - Ukraine ngày càng căng thẳng.  Nguồn: TASS

Nga điều động lực lượng áp sát biên giới miền Đông Ukraine, khiến quan hệ Nga - Ukraine ngày càng căng thẳng.

Nguồn: TASS

Những tháng cuối năm 2021, quan hệ giữa Nga với Ukraine và các nước phương Tây trở nên căng thẳng hơn khi Nga tăng cường số lượng lớn quân tới biên giới với Ukraine. Các nước phương Tây cáo buộc Nga có ý định tấn công quân sự Ukraine nhưng Moscow khẳng định không có ý định tấn công Ukraine mà chỉ phản ứng trước âm mưu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông và triển khai vũ khí tại Ukraine, đe dọa an ninh của Nga./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com