Khoảng cách lớn

07:02, 18/02/2021

I-ran lên tiếng hối thúc chính quyền mới ở Mỹ nắm bắt cơ hội chấp thuận những cách tiếp cận mới đối với các vấn đề song phương. Tuy nhiên, tuyên bố cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn về yêu cầu Tê-hê-ran tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để làm bàn đạp hướng tới một thỏa thuận sâu rộng hơn đang khiến khoảng cách giữa hai bên rất lớn và khó thu hẹp như kỳ vọng lúc ông Bai-đơn trở thành “ông chủ Nhà trắng”.

Dù đưa ra nhiều lời đe dọa, bản thân Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh.  Ảnh: Internet

Dù đưa ra nhiều lời đe dọa, bản thân Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh.

Ảnh: Internet

Chính quyền mới ở Mỹ từng được kỳ vọng sẽ thổi “luồng sinh khí mới” giúp hồi sinh sự hợp tác giữa Mỹ và I-ran trong vấn đề hạt nhân vốn rơi vào bế tắc kể từ sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tê-hê-ran ký với các cường quốc nhóm P5+1 hồi năm 2015. Ngay khi tiếp quản Nhà trắng, Tổng thống G.Bai-đơn “bật đèn xanh” cho việc đưa Oa-sinh-tơn trở lại với JCPOA. Tuy nhiên, cho dù ông Bai-đơn có thái độ mềm mỏng hơn trong cách tiếp cận với I-ran thì quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran dường như không thay đổi. Dù I-ran kêu gọi Oa-sinh-tơn dỡ bỏ các “đòn trừng phạt”, coi đây là điều kiện để đàm phán, Tổng thống G.Bai-đơn khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với I-ran. Ông Bai-đơn tuyên bố, Mỹ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu I-ran đảo ngược lộ trình làm giàu u-ra-ni.

Tiếp đó, I-ran lên tiếng hối thúc Nhà trắng nắm bắt cơ hội để “thử nghiệm một cách tiếp cận mới” đối với việc giải quyết các vấn đề song phương. I-ran kiên quyết cho rằng, Mỹ phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước, đồng thời bác bỏ mọi thay đổi đối với JCPOA cũng như những lời kêu gọi mở rộng các điều khoản của thỏa thuận. I-ran cho rằng Mỹ và những quốc gia châu Âu tham gia ký JCPOA cần thực hiện nghĩa vụ của các nước này để bảo vệ lợi ích của Tê-hê-ran được quy định trong thỏa thuận.

Trong một động thái mới nhất nhằm thể hiện quan điểm “trước sau như một”, I-ran tuyên bố sẽ tiếp tục giảm các cam kết trong JCPOA, nếu các bên khác tham gia thỏa thuận không thực hiện nghĩa vụ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran đề cập một đạo luật của I-ran bắt buộc chính phủ phải kiên quyết với lập trường hạt nhân của mình. Tê-hê-ran nêu rõ, luật định được Quốc hội I-ran thông qua buộc chính phủ phải có lập trường cứng rắn về vấn đề hạt nhân, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng. Theo đó, vào ngày 21-2 tới, luật này sẽ buộc Chính phủ I-ran phải chấm dứt quyền kiểm tra toàn diện đã được cấp cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng như hạn chế thanh tra đối với các địa điểm hạt nhân đã tuyên bố. I-ran cũng cảnh báo sắp hết thời gian để chính quyền của tân Tổng thống Mỹ cứu vãn JCPOA. IAEA mới đây cho biết, I-ran bắt đầu sản xuất kim loại u-ra-ni, hành động đi ngược lại các nội dung trong thỏa thuận JCPOA. Cách đây hơn một tháng, quốc gia Hồi giáo đã thông báo đẩy nhanh tiến trình làm giàu u-ra-ni lên mức 20%, cao hơn nhiều mức 3,67% được phép trong thỏa thuận, song vẫn còn xa mới tới mức để sản xuất bom nguyên tử.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tuyên bố sẽ tìm cách khôi phục JCPOA và đưa nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương, một văn kiện quan trọng nhằm kiềm chế các “tham vọng” hạt nhân và duy trì ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, cả Mỹ và I-ran đều yêu cầu đối phương phải hành động trước, khiến hai bên khó có thể thu hẹp khoảng cách. Cánh cửa đàm phán Mỹ - I-ran chưa được mở bởi cả hai phía tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn. Điều này đòi hỏi các cường quốc châu Âu phải “vào cuộc” mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò trung gian nhằm đưa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran trở lại bắt tay hợp tác giải quyết “hồ sơ hạt nhân I-ran”./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com