Hành trình gian nan

10:02, 03/02/2021

Trái với kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi “thần tốc” trong năm 2021 sau khi vắc-xin ngừa COVID-19 được tiêm ở nhiều nước, thực tế tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn và những nhận định mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và giới chuyên gia cho thấy, tiến trình phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều gian nan và các nước cần triển khai lộ trình chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hơn, dài hạn hơn.

Nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.   Ảnh: AP

Nền kinh tế vẫn phải loay hoay trong chính quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Ảnh: AP

Thông tin và số liệu thống kê mới nhất từ các nền kinh tế lớn cho thấy, khó khăn vẫn tiếp tục gia tăng ngay trong tháng đầu của năm nay. Tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa cảnh báo những khó khăn kinh tế lớn khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuần trước, trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2021 với trọng tâm là quỹ đạo phục hồi của kinh tế Mỹ, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - nêu rõ: “Tốc độ phục hồi trong hoạt động kinh tế và việc làm đã chững lại trong những tháng gần đây, với sự yếu kém tập trung ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19”. Trong khi đó, Chủ tịch FED G.Pao-oen trong phát biểu với báo giới đã cảnh báo rằng, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh “đang gây ra gánh nặng đối với hoạt động kinh tế và tạo việc làm” và ông khẳng định “con đường phía trước không chắc chắn”. Thực tế nêu trên đã buộc các quan chức của FED tuần trước quyết định sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ, để kích cầu tăng trưởng kinh tế.

Tình hình tại các nền kinh tế lớn khác cũng không khả quan khi dịch COVID-19 tiếp tục lây lan và cản trở nhiều hoạt động kinh tế. Tại Nhật Bản, trong tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều địa phương. Theo đó, khoảng một nửa trong 126 triệu dân của  “đất nước mặt trời mọc” chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp. Nhiều hoạt động kinh tế ngưng trệ đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản công bố báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trung bình năm 2020 của nước này tăng lên mức cao kỷ lục trong 11 năm qua là 2,8% với tổng số người lao động thất nghiệp là 19,1 triệu, tăng 290 nghìn người so với năm 2019. Ngay cả quốc gia khống chế đại dịch COVID-19 tốt như Trung Quốc, “sức khỏe” nền kinh tế cũng suy giảm khi số ca nhiễm ở nước này gia tăng trở lại gần đây. Tổng cục Thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở Trung Quốc - chỉ số quan trọng đánh giá mức tăng trưởng kinh tế - trong tháng 1 ở mức 51,3, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12-2020. 

Ngoài các số liệu thống kê nêu trên, nhận định mới nhất của giới chuyên gia và các định chế tài chính quốc tế cũng không lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 5,5%, nhưng trong dự báo mới nhất vừa công bố, định chế tài chính này đã cảnh báo triển vọng kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19. IMF còn chỉ ra một thách thức kinh tế lớn khác là “bom nợ” đang gia tăng ở nhiều nền kinh tế. Báo cáo mà IMF công bố mới đây cho biết hỗ trợ tài chính toàn cầu tới cuối tháng 12-2020 đạt mức gần 14 nghìn tỷ USD so với mức 2.200 tỷ USD của tháng 10-2020. Tới cuối năm 2020, mức nợ công trung bình của thế giới đã gần chạm mức 98% GDP, vượt xa dự báo ước tính trước đại dịch là 84%. Từ thực tế và những nhận định nêu trên có thể thấy triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021 là không sáng sủa. Các chuyên gia của IMF nhấn mạnh rằng, việc phân phối vắc-xin và khống chế dịch COVID-19 sẽ là chìa khóa bảo đảm phục hồi kinh tế.  

Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách sớm mở cửa nền kinh tế và dỡ bỏ các hạn chế đi lại có thể khiến các quốc gia lâm cảnh “dục tốc bất đạt” và sẽ phải trả giá đắt. “Việc cần làm ngay” hiện nay là các nước phải hành động nhanh chóng để bảo đảm phân bổ vắc-xin phòng COVID-19 một cách hiệu quả, công bằng. Đồng thời, các nước cần hợp tác đa phương mạnh mẽ để “đưa đại dịch vào tầm kiểm soát” ở mọi nơi trên thế giới; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hóa và xanh hóa để tạo nền tảng phục hồi kinh tế ổn định trong dài hạn./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com