10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2020

07:02, 04/02/2021

1. Việt Nam đồng thời đảm nhiệm hai trọng trách

Chương trình ca nhạc chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.  Ảnh: Tuấn Anh

Chương trình ca nhạc chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN 37.

Ảnh: Tuấn Anh

Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020. Trong “vai trò kép”, Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn về sự chủ động, tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới, qua đó nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán cam go.

2. Đại dịch COVID-19 hoành hành, gây khủng hoảng trên toàn cầu

Chăm sóc bệnh nhân bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24-1-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chăm sóc bệnh nhân bệnh viêm phổi do nhiễm virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 24-1-2020.

Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới, khiến khoảng 80 triệu người nhiễm và trên 1,7 triệu người tử vong, đẩy nhiều nước lâm vào cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế.

Đại dịch tác động sâu rộng tới mọi phương diện của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi cách thức làm việc, sinh hoạt và giao tiếp của con người, buộc thế giới phải thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. 

3. Cuộc bầu cử tổng thống bất thường trong lịch sử Mỹ

Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc đua diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát nhưng gần 160 triệu cử tri Mỹ - một con số kỷ lục từ trước tới nay - đã tham gia bỏ phiếu dưới nhiều hình thức. Với việc giành được hơn 81 triệu phiếu phổ thông và 306 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Cùng với đó, bà Kamala Harris cũng trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của nước này.

4. Anh và EU đạt thỏa thuận lịch sử xác định quan hệ thương mại hậu Brexit

Các nhà lãnh đạo EU tại lễ ký thỏa thuận thương mại với Anh. Ảnh: FRANCE 24

Các nhà lãnh đạo EU tại lễ ký thỏa thuận thương mại với Anh.

Ảnh: FRANCE 24

Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24-12, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc ngày 31-12-2020. Thỏa thuận sẽ tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “chia tay” trong hỗn loạn,  đảm bảo dòng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD tiếp tục được lưu thông giữa Anh và 27 nước thành viên EU.

Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

5. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực được ký kết

Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, sáng 15-11-2020. Ảnh: TTXVN

Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, sáng 15-11-2020.

Ảnh: TTXVN

Sau 8 năm đàm phán, ngày 15-11, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 5 đối tác đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra thị trường thương mại tự do lớn nhất thế giới với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm hơn 30% dân số thế giới và GDP khoảng 27 nghìn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu.

6. Kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai

Cảnh vắng vẻ tại quảng trường ở Turin, Italy, ngày 5-4-2020 trong thời gian lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh vắng vẻ tại quảng trường ở Turin, Italy, ngày 5-4-2020 trong thời gian lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố nhằm ngăn dịch COVID-19.

Ảnh: THX/TTXVN

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã khiến thương mại đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, dẫn tới làn sóng doanh nghiệp phá sản khắp thế giới, đặc biệt trong ngành hàng không, du lịch và bán lẻ.

Thị trường toàn cầu đã có những phiên dao động đi vào lịch sử như: giá dầu ngọt nhẹ New York xuống mức thấp chưa từng có âm 40 USD/thùng, giá vàng lần đầu vượt 2.000 USD/ounce, nhiều thị trường chứng khoán kích hoạt cơ chế “ngắt tự động” để ngăn đà rơi tự do. 

7. Làn sóng biểu tình và bạo lực liên quan tới sắc tộc, tôn giáo

Tuần hành phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại London, Anh, sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở Mỹ, ngày 6-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tuần hành phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại London, Anh, sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở Mỹ, ngày 6-6-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ sau vụ cảnh sát lạm dụng bạo lực gây ra cái chết của người đàn ông gốc Phi George Floyd đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Phong trào xuống đường đòi “quyền sống cho người da màu” diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố của Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Nam Phi, Thái Lan…, với hàng trăm nghìn người tham gia. Nhiều cuộc biểu tình tại Mỹ biến thành bạo loạn, gây ra cuộc khủng hoảng sắc tộc nghiêm trọng.

8. Nhiều quốc gia tìm cách “quản lý” chặt các công ty công nghệ lớn

Nhân viên làm việc tại văn phòng của Facebook ở Menlo Park, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên làm việc tại văn phòng của Facebook ở Menlo Park, California, Mỹ.

Ảnh: AFP/TTXVN

Các nền tảng công nghệ có hàng tỷ người dùng như Facebook, Google, Twitter liên tục bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng.

Hàng loạt công ty lớn đã tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook và Twitter nhằm gây áp lực với các nền tảng này trong vấn đề chống thông tin xấu độc. Twitter và Facebook cũng đối mặt với hàng loạt cáo buộc làm lộ thông tin người dùng, vi phạm chính sách bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh. Australia, Pháp yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho việc đăng tải tin tức lấy từ báo chí trong nước.

9. Huyền thoại bóng đá Maradona qua đời đột ngột

Người hâm mộ bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của huyền thoại bóng đá Diego Maradona, tại Buenos Aires, Argentina, ngày 25-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người hâm mộ bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của huyền thoại bóng đá Diego Maradona, tại Buenos Aires, Argentina, ngày 25-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Maradona - một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại - đã đột ngột qua đời vào ngày 25-11-2020 ở tuổi 60. Sau sự ra đi của ông, Argentina tổ chức lễ quốc tang trong 3 ngày với hàng vạn người đến viếng, nhiều hoạt động tưởng nhớ và tôn vinh Maradona diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, Argentina quyết định đổi tên Cúp Liên đoàn Chuyên nghiệp Argentina thành Cúp Diego Armando Maradona; Thành phố Napoli (Italy) đổi tên sân vận động San Paolo thành Diego Maradona.

10. Nhiều thảm họa xảy ra 

Vụ nổ kho hóa chất kinh hoàng ở cảng Thủ đô Bây-rút của Li-băng ngày 4-8. Ảnh: TTXVN

Vụ nổ kho hóa chất kinh hoàng ở cảng Thủ đô Bây-rút của Li-băng ngày 4-8.

Ảnh: TTXVN

Các thảm họa xảy ra đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Vụ nổ kho hóa chất kinh hoàng ở cảng Thủ đô Bây-rút của Li-băng ngày 4-8 khiến hơn 190 người chết và hơn 6.000 người bị thương. Ngày 8-1, quân đội I-ran bắn nhầm máy bay chở khách của U-crai-na khiến 176 người chết… Bên cạnh đó, các vụ tiến công khủng bố xảy ra tại châu Âu, trong đó có vụ tiến công bằng dao tại Pháp và xả súng tại Áo, gây lo ngại về mối đe dọa an ninh tiềm tàng./.

 

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com