Cánh cửa rộng mở

08:01, 04/01/2021

Các nước châu Phi đang chờ đón những cơ hội mới từ Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), khi thỏa thuận thương mại lịch sử này chính thức được thực thi từ ngày 1-1-2021. Hiệp định được kỳ vọng giúp châu Phi đứng vững trước những “cú sốc”, cũng như mở cánh cửa giao thương cho thị trường đầy tiềm năng của châu lục.

Các quốc gia châu Phi đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (gọi tắt là AfCFTA). Ảnh: Internet

Các quốc gia châu Phi đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (gọi tắt là AfCFTA).

Ảnh: Internet

Hoàn tất vào năm 2019 sau 17 năm đàm phán gai góc, AfCFTA được kỳ vọng mở rộng cánh cửa giao thương của thị trường trị giá 2.500 tỷ USD, cũng như giúp nâng cao đời sống của khoảng 1,3 tỷ dân tại châu Phi. Bản thỏa thuận thương mại toàn châu Phi nhằm tăng cường thương mại nội khối thông qua cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan xuyên biên giới đối với phần lớn hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vốn và người dân, thúc đẩy đầu tư, mở đường cho một liên minh thuế quan trên toàn châu lục. Với việc toàn bộ 54 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) tham gia AfCFTA, trong đó 34 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định, châu lục này có thể trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Ngân hàng Xuất, nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) nhận định, AfCFTA có thể giúp hiện thực hóa hơn 84 tỷ USD hàng xuất khẩu nội khối vốn chưa được khai thác, mở ra cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu nội khối lên hơn 231 tỷ USD, tương đương khoảng 22% tổng giá trị thương mại của châu Phi.

Không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của “bão Covid”, các nền kinh tế châu Phi chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm những thách thức của châu Phi. Châu lục này đứng trước hàng loạt cuộc khủng hoảng, đó là tình trạng y tế xuống cấp, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực bị thiếu hụt nghiêm trọng, suy thoái kinh tế sâu rộng, biến đổi khí hậu tàn phá các cộng đồng. Bắt đầu từ năm 2021, việc đầu tư phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và thực thi AfCFTA được chính phủ các nước châu Phi chú trọng, coi đó là những yếu tố đóng vai trò then chốt giúp “lục địa đen” thoát khỏi suy thoái và từng bước phục hồi kinh tế.

AfCFTA được đánh giá sẽ làm thay đổi cơ bản “cuộc chơi” bấy lâu nay tại châu Phi. Thay vì trước đây chỉ tập trung vào các đối tác “xa xôi” tận châu Âu hay Mỹ, các quốc gia châu Phi hiện có cơ hội tăng cường giao thương với nhau và bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Nỗ lực tạo sức bật cho thương mại nội khối và tránh phụ thuộc các thị trường bên ngoài, các nước châu Phi đã thúc đẩy trao đổi thương mại trong châu lục. Trong khi thương mại toàn cầu năm 2019 giảm 2,89%, tổng thương mại hàng hóa của châu Phi chỉ giảm 0,13%, đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Mức giảm nhỏ hơn này phản ánh nỗ lực của các nước châu Phi thúc đẩy thương mại nội khối và thu hút sự đa dạng hóa của các đối tác nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế và mở rộng giao thương.

Tuy nhiên, đứng trước nhiều cơ hội mà thỏa thuận tự do thương mại toàn châu lục đem lại, các nước thành viên AU cần tiếp tục phê chuẩn AfCFTA nhằm tăng cường tính bao trùm của thương mại ưu đãi trong khuôn khổ hiệp định tiến bộ này. Nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa AfCFTA, AU hối thúc các quốc gia thành viên khẩn trương dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan trong thương mại nội khối. AU cho rằng, mặc dù phần lớn các quốc gia thành viên đều nhận thức rõ tác động tiêu cực của rào cản phi thuế quan, nhưng vẫn chưa đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Nếu các quốc gia không giải quyết rốt ráo thực trạng hiện nay, việc triển khai hiệp định thương mại được đánh giá là có quy mô lớn nhất thế giới này sẽ gặp không ít khó khăn.

Sự thành công của AfCFTA phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính phủ 54 quốc gia thành viên AU trong việc rà soát cũng như loại bỏ các hàng rào phi thuế quan vẫn đang được áp dụng tràn lan tại lục địa này. Nếu dỡ bỏ thành công hàng rào phi thuế quan, các quốc gia châu Phi được dự báo mỗi năm có thể thu về khoảng 20 tỷ USD nhờ việc tăng cường trao đổi thương mại, cao hơn nhiều so với con số 3,6 tỷ USD mà các nước này phải chi trả để thực hiện việc loại bỏ các hàng rào này.

Cánh cửa thương mại ở châu Phi đã rộng mở, song việc tận dụng mọi cơ hội và khai thác hết tiềm năng hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực của từng quốc gia trong thúc đẩy xu thế hợp tác và hội nhập./.

Mỹ Vân
Theo nhandan.com.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com