"Lục địa già" lo thiếu thuốc chữa bệnh

08:12, 03/12/2020

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố Chiến lược dược phẩm châu Âu nhằm hướng tới một trong những mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này nghe có vẻ vô lý đối với những quốc gia châu Âu phát triển dẫn đầu thế giới về công nghệ dược phẩm. Vậy mà đại dịch COVID-19 đã và đang đặt “lục địa già” vào những tình huống tưởng khó có thể xảy ra như thế này...

Một hiệu thuốc ở Pháp (Ảnh minh họa). Ảnh: AFP
Một hiệu thuốc ở Pháp (Ảnh minh họa). Ảnh: AFP

Nó cũng giống câu chuyện nhiều tháng trước đây, khi nhiều quốc gia châu Âu có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hay như ở một số quốc gia phát triển khác như Nhật Bản hay Mỹ... lại khan hiếm giấy vệ sinh. Trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, người dân những nước này đổ xô đi mua các loại hàng hóa tích trữ cơ bản như bột mì, giấy vệ sinh... thay vì những món đồ xa xỉ. Một phần nguyên nhân là do các hoạt động sản xuất cơ bản những mặt hàng đơn giản này từ lâu đã được châu Âu chuyển phần lớn sang các nước bên ngoài kém phát triển hơn, nên mất tính tự chủ. 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Âu xảy ra tình trạng khan hiếm các loại thuốc cơ bản, giá rẻ như kháng sinh, giảm đau, aspirin hay paracetamol, chứ không phải là các loại thuốc đặc trị. Các bệnh viện, hiệu thuốc thiếu dược phẩm thì chủ yếu là thiếu các loại thuốc thông dụng. Đây là những loại dược phẩm có công thức sản xuất không có gì là bí mật, có thể sản xuất dễ dàng với chi phí thấp. Vậy nhưng, các nước châu Âu có lúc không thể nhập khẩu được những loại thuốc đơn giản đó khi nhu cầu trên toàn cầu gia tăng. Đây là tình huống không ngờ tới với các nước châu Âu. Từ 30 năm trước, các hãng dược phẩm châu Âu đã chuyển hầu hết việc sản xuất các loại dược phẩm cơ bản có giá thành rẻ sang các nước châu Á. Những hãng này tập trung đầu tư sản xuất các loại thuốc đặc trị, thuốc mới, có giá cao và mang lại nhiều lợi nhuận.

Chiến lược dược phẩm châu Âu nhằm khắc phục những hạn chế nói trên, cho phép châu Âu đáp ứng nhu cầu về dược phẩm của châu lục, kể cả trong thời kỳ khủng hoảng, thông qua các chuỗi cung ứng mạnh mẽ. Chiến lược nhắm tới các mục tiêu chủ yếu: Bảo đảm bệnh nhân được tiếp cận các loại thuốc có giá cả phải chăng và giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng; tự sản xuất dược phẩm cơ bản, không bị phụ thuộc bên ngoài, hỗ trợ khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp dược phẩm EU; giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các nước bên ngoài EU.

Chiến lược mới của EU được xây dựng dựa trên những bài học rút ra từ các hoạt động ứng phó ban đầu với đại dịch COVID-19 của EU vốn được đánh giá là chưa hiệu quả. Chiến lược được hy vọng sẽ giúp ngành dược phẩm châu Âu tăng cường khả năng chuẩn bị và cơ chế ứng phó khủng hoảng, giải quyết vấn đề an ninh nguồn cung. 

Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những khiếm khuyết trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tại các nước EU, trong đó bao gồm cung cách sản xuất và phân phối dược phẩm, ít nhất là trong 30 năm trở lại đây. Các nước châu Âu đã mất thế chủ động do lệ thuộc quá nhiều vào nguồn dược phẩm từ bên ngoài. Chẳng hạn ở Pháp, tới 80% nguyên liệu cho ngành dược đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhằm khắc phục điểm yếu này, Thượng viện Pháp vừa phải thông qua dự luật bắt buộc dự trữ thuốc cơ bản. 

Đối với châu Âu nói chung, để khắc phục những nhược điểm nói trên sẽ không hề đơn giản và khó có thể thực hiện được ngay. Theo ước tính, hiện khoảng 60% nguyên liệu dược phẩm cho ngành công nghiệp dược toàn cầu là từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thực tế này sẽ thách thức mục tiêu muốn tự chủ sản xuất các dược phẩm cơ bản của EU, vì muốn tự chủ sản xuất dược phẩm trước tiên phải tự chủ về nguyên liệu. Châu Âu muốn chuyển sản xuất về các nước thành viên sẽ phải đối mặt với các vấn đề như giá nhân công cao, chi phí đắt đỏ để đáp ứng các điều kiện khắt khe về môi trường vì sản xuất dược phẩm cũng là ngành gây ô nhiễm. Theo tính toán, để chuyển một dây chuyền sản xuất dược phẩm từ châu Á về châu Âu sẽ phải mất ít nhất 2 năm nếu đã có sẵn nhà máy. Còn nếu xây nhà máy từ đầu thì sẽ phải mất chừng 5 năm.

Trước khi có Chiến lược dược phẩm châu Âu, các nghị sĩ châu Âu đã đề nghị một loạt biện pháp nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm dược phẩm. Trong số đó, bao gồm thành lập cơ quan dược khẩn cấp cho toàn châu Âu, giống như một kho dự trữ gồm các loại thuốc chiến lược mà các nước thành viên có thể sử dụng khi cần; ưu đãi thuế cho các hãng dược chế tạo hoạt chất di dời sản xuất về châu Âu./.

XUÂN PHONG
Theo qdnd.vn
 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com