Kỳ vọng từ RCEP

08:11, 17/11/2020

Tờ The Straits Times của Xin-ga-po vừa nhận định, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính là tâm điểm của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Việc ký kết thành công hiệp định này ngày 15-11 sau tám năm đàm phán cam go nhận được mối quan tâm lớn bởi RCEP được kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy tự do thương mại và phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch, góp phần định hình dòng chảy thương mại toàn cầu.

Ảnh/ Internet
Ảnh/ Internet

Trong tuyên bố chung về RCEP, các nhà lãnh đạo nhận định đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế. RCEP có sự tham gia của 15 nước, gồm 10 quốc gia thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Với quy mô 2,2 tỷ người dân, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết RCEP gửi tới thế giới thông điệp tích cực về ủng hộ thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên.

Việc đưa RCEP “về đích” diễn ra trong bối cảnh kinh tế các nước trong khu vực đều bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong khối ASEAN, hầu hết các nền kinh tế đều lâm vào suy thoái, suy giảm tăng trưởng mạnh chưa từng có. Trong khi đó, từ năm 2018 đến nay, khó khăn cũng đã gia tăng với kinh tế khu vực khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc dai dẳng, niềm tin vào hệ thống thương mại đa phương đang ở mức thấp… Đánh giá về bối cảnh ký kết RCEP, giới học giả Cam-pu-chia cho rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở thành “xung lực” để các nước có lợi ích nhanh chóng ký kết RCEP.

Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, việc các nước ASEAN và năm đối tác đã ký kết RCEP được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy sự hồi phục kinh tế của khu vực trong những năm tới. Trong tuần qua, giới lãnh đạo và chuyên gia của các nước thành viên RCEP đều đánh giá cao động lực tăng trưởng kinh tế và lợi ích mà hiệp định này mang lại. Trả lời hãng tin Bernama, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Ma-lai-xi-a M.A-li cho rằng, RCEP sẽ giúp tăng cường kết nối kinh tế khu vực với “hiệu ứng số nhân”. Đây cũng là một trong những công cụ để các nước chống lại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mở cửa các thị trường và bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, RCEP sẽ giúp các nước thu hút thêm dòng vốn đầu tư, mang lại lợi ích cho toàn khu vực. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá, sau khi được ký kết, RCEP sẽ là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong quá trình hội nhập của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm qua, giúp khu vực này thực hiện mở cửa thị trường ở mức độ cao, đồng thời hình thành một hệ thống kinh tế và thương mại tương đối thống nhất.

RCEP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn là sự khẳng định chính sách kinh tế đối ngoại theo hướng ủng hộ tự do thương mại của các nước trong khu vực. Với ASEAN nói riêng, hiệp định còn góp phần chứng tỏ vai trò trung tâm của khu vực trong việc định hình dòng chảy thương mại toàn cầu. Việc ký kết hiệp định này là minh chứng cho thấy ASEAN cùng với các đối tác trong RCEP luôn khẳng định quan điểm của mình, đó là nói “không” với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và nói “có” với tự do thương mại. Giới học giả Hàn Quốc cho rằng RCEP sẽ làm đậm thêm các thành tựu của Chính sách hướng Nam mới của Xơ-un vì giúp xóa bỏ bớt rào cản thương mại giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc. Bộ trưởng Thương mại Ô-xtrây-li-a X.Bơ-minh-ham nêu rõ, đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu, giúp củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và thiết lập các quy tắc thương mại điện tử mới trong toàn khu vực.

Truyền thông Ô-xtrây-li-a cũng đánh giá trước những ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký và sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực. Trong khi đó, báo Toàn cảnh Frankfurt đánh giá việc đạt được thống nhất về giảm thuế và các quy định liên quan tới khoảng 20 lĩnh vực là một thành công với các quốc gia tham gia RCEP. Bài viết dẫn lời nhà kinh tế R.Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Xin-ga-po nhận định rằng hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến “công xưởng của thế giới” thành “thị trường của thế giới”.

Như vậy, sau một chặng đường gian nan, “con tàu RCEP” giờ đã “thuận buồm xuôi gió” về đích. RCEP sẽ có thời gian hai năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận để xây dựng chi tiết các điều khoản trước khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Vì vậy, giờ là lúc chính phủ và giới doanh nghiệp của mỗi nước thành viên phải tập trung chuẩn bị tốt nhất để có thể “hái quả ngọt” từ hiệp định này./.

Theo Báo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com