Thúc đẩy phát triển bền vững sau đại dịch

08:10, 07/10/2020

Tại phiên thảo luận chung do Ủy ban Các vấn đề kinh tế, tài chính trực thuộc Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức ngày 5-10 với chủ đề "Xây dựng lại tốt đẹp hơn sau đại dịch Covid-19: Bảo đảm nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn, xã hội hòa hợp hơn và phát triển bền vững hơn", các nước kêu gọi bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu sau đại dịch.

Phát biểu trên cương vị Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Niu Oóc, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Ðại sứ Ðặng Ðình Quý nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế; thúc đẩy tiếp cận phổ cập và đồng đều vắc-xin phòng Covid-19; chú trọng chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội; chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển. Việt Nam cũng nêu các cam kết và hành động cụ thể của ASEAN nhằm ứng phó đại dịch, trong đó có việc lập Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

* Trong nhận định mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, đầu tư công nên đóng vai trò trung tâm trong giai đoạn phục hồi ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi, sau thời gian kinh tế suy giảm do tác động của dịch Covid-19. Theo IMF, việc đẩy mạnh các khoản chi tiêu công trên toàn cầu có thể giúp tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp cả trong ngắn hạn và dài hạn. Ngày 5-10, IMF phê duyệt khoản trợ cấp mới cho 28 quốc gia nghèo nhất thế giới, giúp các nước này giảm bớt nợ và tập trung ứng phó dịch Covid-19.

* Tổng thống Mê-hi-cô Lô-pét Ô-bra-đô công bố kế hoạch đầu tư 13,84 tỷ USD vào lĩnh vực hạ tầng và năng lượng, nhằm tái khởi động nền kinh tế sau đại dịch. Kế hoạch gồm 39 dự án, tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, giao thông, vận tải và được triển khai dưới hình thức đầu tư tư nhân và công - tư.

* Trong khi đó, Ðức kêu gọi Anh sớm nhất trí với Liên hiệp châu Âu (EU) về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Theo Ðức, dịch Covid-19 đang gây những hậu quả nghiêm trọng với kinh tế toàn cầu, việc Anh và EU không thể đạt thỏa thuận càng bị cho là "vô trách nhiệm" với người dân châu Âu.

* Ngày 5-10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới bước vào một giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 lan rộng, với 10% dân số thế giới mắc Covid-19. Theo trang thống kê worldometers.info, đến sáng 6-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã có 35.698.654 ca nhiễm, trong đó có hơn một triệu ca tử vong.

* Tại châu Á, Ấn Ðộ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất thế giới, với 59.893 ca chỉ trong 24 giờ, song giảm mạnh so 74.767 ca một ngày trước đó. Hai điểm nóng In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin có số ca nhiễm mới lần lượt là 3.622 và 2.291 người. Ma-lai-xi-a có thêm 432 ca nhiễm và là số ca bệnh theo ngày cao nhất từ đầu mùa dịch. Hơn 120 trường học tại bang Xa-ba bắt đầu đóng cửa từ ngày 6-10.

* Ngày 6-10, Hàn Quốc có thêm 75 ca mắc, trong đó có 66 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 24.239 người. Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm trong ngày 5-10, đều là các ca nhập cảnh. Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) duy trì các biện pháp giãn cách xã hội.

* Tình hình dịch bệnh diễn biến đáng lo ngại tại châu Âu, khi nhiều nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, nhất là Anh thêm 12.594 ca mắc, Nga 10.888 ca, Pháp 5.084 ca, Hà Lan 4.579 ca. Ðức có thêm gần 1.400 ca, giảm so các mức cao được ghi nhận liên tiếp những ngày qua.

* Thủ tướng Ai-len M.Mác-tin thông báo nâng mức độ ứng phó Covid-19 từ mức 2 lên mức 3 trên toàn quốc trong ba tuần, từ ngày 6-10. Theo đó, người dân hạn chế đi lại và không được phép ra nước ngoài trừ các mục đích đặc biệt. Thủ tướng Áo X.Cuốt-dơ phải hủy mọi kế hoạch làm việc, sau khi một cộng sự thân cận được xác nhận nhiễm Covid-19.

* Chính phủ Bra-xin gia hạn lệnh cấm khách nước ngoài nhập cảnh qua đường bộ, đường biển hoặc sông, tuy nhiên không áp dụng với hoạt động vận chuyển hàng hóa hoặc viện trợ nhân đạo. Ác-hen-ti-na có thêm 11.242 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ; Pê-ru ghi nhận 1.830 ca; Mê-hi-cô cũng có thêm 28.115 trường hợp.

* Tại Mỹ, bang Niu Oóc thông báo tạm đóng cửa trường học tại chín khu vực có số ca mắc Covid-19 tăng cao. Tại Ca-na-đa, chính quyền tỉnh Kê-bếch quy định bắt buộc học sinh đeo khẩu trang tại trường và đóng cửa các phòng tập thể dục, bắt đầu từ ngày 8-10 và kéo dài ba tuần.

* Dịch Covid-19 cũng diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Ðông, nhất là ở I-xra-en, I-ran và I-rắc. Trong đó, I-xra-en ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày mức cao nhất, với 5.534 người.

* Báo cáo ngày 5-10 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết, tổng số ca mắc Covid-19 tại châu lục này đã lên 1.513.858 ca, trong đó có 36.789 ca tử vong. Nam Phi, Ma-rốc, Ai Cập, Ê-ti-ô-pi-a và Ni-giê-ri-a là những nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực.

* ASEAN và Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) phát động chiến dịch truyền thông mang tên FiveSteps (Năm bước), nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh và năng động trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Thông điệp chính đó là, với quyết tâm, kỷ luật và tinh thần đồng đội, ASEAN sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com