"Cú huých" cho quan hệ EU - Ukraine

08:10, 09/10/2020

Các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận một số nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine.  Ảnh: consilium.europa.eu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine.

Ảnh: consilium.europa.eu

Theo tờ DW của Đức, ngày 6-10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Ukraine lần thứ 22 đã diễn ra tại Brussels. Đây là Hội nghị thượng đỉnh song phương trực tiếp đầu tiên giữa EU và một nước đối tác được tổ chức tại Brussels kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Tham dự hội nghị về phía EU có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell; về phía Ukraine có Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tại hội nghị này, hai bên tập trung thảo luận về các vấn đề của quan hệ song phương, bao gồm ba nội dung chính: Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 và sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine; các bước tiếp theo để thực hiện Hiệp định liên kết EU - Ukraine, bao gồm việc thành lập khu vực thương mại tự do sâu rộng và toàn diện; tình hình cải cách ở Ukraine. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine cũng như các vấn đề khác của chính sách đối ngoại.

Phát biểu ở cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, việc EU quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với Ukraine cho thấy tầm quan trọng của quan hệ giữa khối này và Kiev. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels là minh chứng về “sự quan tâm ưu tiên” của EU đến quan hệ hợp tác với Ukraine. Ông Volodymyr Zelensky cho biết, hai bên đã thảo luận về các vấn đề một cách kỹ lưỡng trong bầu không khí thân thiện và cởi mở. Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh kiêm Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell đánh giá cao những thành quả của Ukraine trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhắc đến vấn đề miễn thị thực, các quan chức EU hoan nghênh việc tiếp tục thực hiện thành công chế độ miễn thị thực cho công dân Ukraine.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU lần thứ 22, Kiev đã ký ba thỏa thuận với Ủy ban châu Âu (EC) và ba thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Đặc biệt, theo ba thỏa thuận giữa EC và Ukraine, EU sẽ cung cấp cho Kiev 60 triệu euro nhằm tăng khả năng ứng phó của các khu vực dễ bị tổn thương ở nước này trước đại dịch COVID-19, tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội dân sự cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang tiêu thụ năng lượng sạch. Ngoài ra, EU cũng sẵn sàng giúp Ukraine tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 để cùng chống lại dịch bệnh cũng như tác động tiêu cực của nó vốn gây áp lực đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế của các thành viên EU và Ukraine.

Từ lâu, Ukraine đã có tham vọng bước vào “mái nhà chung” châu Âu. Và dưới thời Tổng thống Volodymyr Zelensky, Kiev vẫn không quên giấc mơ châu Âu này. Hồi đầu tháng 6-2019, khi vừa nhậm chức Tổng thống, ông Volodymyr Zelensky đã có chuyến công du tới Brussels. Không phải ngẫu nhiên mà ông Volodymyr Zelensky chọn thủ đô của Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Quyết định này được nhà lãnh đạo Volodymyr Zelensky đưa ra nhằm ngầm gửi thông điệp rằng ông vẫn theo đuổi mục tiêu đưa Ukraine hội nhập châu Âu, giống như người tiền nhiệm Petro Poroshenko. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU lần thứ 22, trong cuộc phỏng vấn với Politico, ông Volodymyr Zelensky đã tái khẳng định: “Mong muốn trở thành thành viên EU của Ukraine không thay đổi”.

Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU ngày 6-10 là thượng đỉnh lần thứ 22 giữa hai bên. Điều đó đồng nghĩa với việc khối này luôn dành cho Ukraine một sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, EU đã hỗ trợ tài chính cho Kiev để thực hiện cải cách. Đặc biệt, năm 2017, EU đã quyết định miễn thị thực cho công dân Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay EU chưa đưa ra lộ trình rõ ràng về việc khi nào Ukraine có thể trở thành thành viên khối này. Sau khi Anh rời khỏi EU, Ukraine càng mong muốn nhanh chóng được thế chân London.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh lần này được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho quan hệ giữa EU và Ukraine. Dẫu vậy, con đường gia nhập EU của Kiev được dự đoán là vẫn nhiều chông gai, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cửa ngõ Âu - Á cũng đang mong muốn sớm được bước vào “ngôi nhà chung” châu Âu./.

Theo Báo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com