Nhiều nước đẩy mạnh thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19

07:09, 17/09/2020

Theo Roi-tơ và TTXVN, một quan chức Bộ Y tế Nam Phi cho biết, hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Ðiển AstraZeneca đã nối lại việc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng Covid-19 tại Nam Phi, hơn một tuần sau khi các cuộc thử nghiệm loại vắc-xin này bị tạm hoãn do xuất hiện tác dụng phụ ở một người tham gia thử nghiệm tại Anh.

* Giới chức y tế Bra-xin cho phép AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc-xin phòng Covid-19 với 5.000 tình nguyện viên. Việc này nhằm giúp củng cố thêm kết quả về độ an toàn và tính hiệu quả của vắc-xin do AstraZeneca sản xuất.

* Nhà chức trách Ấn Ðộ cấp phép cho Viện Serum nối lại các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Ðại học Oxford phát triển. Công ty Novavax của Mỹ cho biết sẽ tăng gấp đôi lượng vắc-xin của mình lên hai tỷ liều, theo một thỏa thuận với Viện Serum ở Ấn Ðộ.

* Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Ðức cho biết đã nhận được 375 triệu ơ-rô từ quỹ tài trợ của chính phủ nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời tăng năng lực sản xuất vắc-xin này tại Ðức.

* Tổng thống Mỹ Ð.Trăm tuyên bố nước này có thể có vắc-xin phòng Covid-19 trong chưa đầy một tháng nữa. Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bày tỏ lo ngại trước việc ông Ð.Trăm gây áp lực lên cơ quan y tế và các nhà khoa học nước này nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho
vắc-xin ngừa Covid-19.

* Chính phủ Nhật Bản quyết định sử dụng 15,5 tỷ USD trong quỹ dự trữ cho tài khóa 2020 cho công tác ứng phó dịch Covid-19. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 8 giảm 14,8% so cùng kỳ năm 2019, xuống khoảng 50 tỷ USD, đánh dấu mức giảm hai con số trong sáu tháng liên tiếp.

* Với nhiều ca mắc mới, số bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Ðộ đã vượt ngưỡng 5 triệu người, trong đó hơn 82 nghìn người chết. Ấn Ðộ hiện là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Hiện cứ sáu ca mắc Covid-19 trên thế giới thì có một ca ở Ấn Ðộ.

* Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định cho học sinh các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Xơ-un và khu vực lân cận trở lại trường từ ngày 21-9. Bộ Giáo dục nước này sẽ hạn chế tối đa số học sinh tới trường đến ngày 11-10 trên toàn quốc và có kế hoạch tăng dần tỷ lệ các lớp học từ xa.

* Mi-an-ma đang khẩn trương xây dựng một bệnh viện dã chiến ở cố đô Y-ăng-gun để đối phó sự gia tăng của dịch Covid-19. Nước này ghi nhận 307 ca nhiễm mới trong ngày 15-9, con số nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi bùng phát dịch và sáng 16-9 có thêm 134 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm lên 3.636 ca và 39 người chết.

* Tại châu Mỹ, Chính phủ Ác-hen-ti-na thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền lương cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 700.000 nhân viên y tế sẽ nhận được khoản hỗ trợ 63 USD/tháng trong vòng ba tháng.

* Bộ trưởng Y tế Ca-na-đa cho biết nước này sẽ áp dụng cách tiếp cận "có mục tiêu cụ thể" đối với biện pháp phong tỏa trong tương lai nếu số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Chính phủ Ca-na-đa đang chuẩn bị để ứng phó nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai.

* Tại châu Âu, Anh ghi nhận thêm 3.105 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này lên hơn 374 nghìn ca, trong đó 41,6 nghìn người chết.

* Chính phủ Hy Lạp thông báo tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 tại vùng Át-ti-ca, vốn đang là tâm dịch tại nước này. Trong 24 giờ qua, Hy Lạp ghi nhận thêm 310 ca mắc mới Covid-19, trong đó có tới 197 ca được ghi nhận tại Át-ti-ca, vùng bao quanh thủ đô A-ten.

* Chính phủ Thụy Ðiển thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đến thăm người thân, bạn bè tại các viện dưỡng lão, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 đối với người già ở nước này giảm. Tính tới ngày 16-9, Thụy Ðiển ghi nhận hơn 87 nghìn ca mắc.

* Toàn bộ các thành viên Chính phủ CH Ai-len đã thực hiện tự cách ly trong thời gian ngắn sau khi Bộ trưởng Y tế nước này có các triệu chứng nghi mắc Covid-19. Hạ viện nước này ngừng tất cả các cuộc họp từ ngày 15-9.

* Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thế giới đang tụt hậu trong nỗ lực đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 như đã đề ra và tình hình thậm chí còn khó khăn hơn do tác động của đại dịch.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com