Hàn Quốc họp khẩn sau khi Triều Tiên đe dọa dùng giải pháp quân sự

07:06, 16/06/2020

Theo AP, ngày 14-6, Hàn Quốc đã triệu tập một cuộc họp khẩn về vấn đề an ninh sau khi Triều Tiên đe dọa đáp trả bằng hành động quân sự nhằm phản đối chiến dịch rải truyền đơn tại khu vực biên giới liên Triều.

 

Tuyên bố của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, cuộc họp có sự tham dự của các quan chức an ninh hàng đầu Hàn Quốc do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong chủ trì để thảo luận về tình hình mới nhất trên bán đảo Triều Tiên và các biện pháp ứng phó của Hàn Quốc.

 

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày ra tuyên bố cho biết, chính phủ đang theo dõi tình hình chặt chẽ, kêu gọi Triều Tiên tôn trọng các thỏa thuận đã ký giữa hai nước. Các bước đi khẩn cấp của Hàn Quốc được thực hiện sau khi bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và là thành viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ thực hiện “bước đi tiếp theo” chống lại Seoul bao gồm cả giải pháp quân sự.

 

WHO cảnh báo tình trạng thiếu máu dự trữ

 

Nhân ngày Hiến máu Quốc tế (14-6), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào những chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến máu sạch trong bối cảnh lượng máu dự trữ đang ngày một thiếu hụt do đại dịch COVID-19.

 

Phóng viên TTXVN thường trú tại Nam Phi dẫn lời Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, bà Matshidiso Moeti cho biết lượng cung máu sạch hiện bị gián đoạn nghiêm trọng, do rất nhiều cơ sở thu nhận máu hiện vẫn đang đóng cửa do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, lệnh phong tỏa hiện được áp dụng ở nhiều nước cũng như tâm lý sợ lây nhiễm bệnh đã khiến nhiều người không còn muốn đến các cơ sở y tế để hiến máu. Cũng theo bà Moeti, dịch COVID-19 đã làm đình trệ chuỗi cung ứng thiết bị chuyên dụng cho việc hiến và bảo quản máu, qua đó khiến tình trạng thiếu máu dự trữ càng thêm trầm trọng. Liên quan đến việc sử dụng huyết tương trong máu của những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh để phục vụ cho công tác nghiên cứu điều chế vaccine, bà Moeti khẳng định đây một công việc hết sức quan trọng trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi ngày càng gia tăng.

 

Đức chấm dứt kiểm soát biên giới, dỡ bỏ cảnh báo đi lại trong EU

 

Kể từ 0 giờ ngày 15-6, Đức chính thức chấm dứt việc kiểm soát biên giới vốn được nước này áp dụng từ giữa tháng 3-2020 để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trên thực tế, biên giới của Đức với một số nước đã từng bước được nới lỏng từ vài ngày trước.

 

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer tuyên bố, việc kiểm soát biên giới chấm dứt sau ngày 14-6, đồng nghĩa với việc người dân từ các quốc gia láng giềng của Đức có thể vào nước này mà không còn bị kiểm soát hoặc gặp khó khăn đặc biệt. Tuy nhiên, lệnh kiểm soát được áp dụng từ lâu nhằm ngăn chặn nhập cư trái phép ở khu vực biên giới với Áo vẫn tiếp tục có hiệu lực. Ngoài Đức, nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) khác cũng bắt đầu dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh từ ngày 15-6, riêng Ba Lan đã mở cửa biên giới với các nước láng giềng từ ngày 14-6. Hồi giữa tháng 3, Đức đã áp dụng kiểm soát biên giới với các nước láng giềng gồm: Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxembourg và Đan Mạch để ngăn ngừa dịch COVID-19.

 

Liên quan cảnh báo đi lại đối với công dân Đức, bắt đầu từ 15-6, Chính phủ liên bang Đức cũng từng bước dỡ bỏ cảnh báo đi lại trên toàn thế giới và thay vào đó là những khuyến cáo đi lại đối với từng quốc gia và khu vực. Đối với EU, Berlin cũng bắt đầu cho phép người dân đi tới các nước trong khu vực, đặc biệt là những điểm du lịch ưa thích của người Đức như: Italy, Áo, Hy Lạp, Pháp và Croatia. Tuy nhiên, cảnh báo đi lại chính thức vẫn tiếp tục kéo dài đối với hơn 160 nước ngoài châu Âu cho tới cuối tháng 8 tới./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com