Những "bứt phá" trên đường đua tìm kiếm vaccine ngừa COVID-19

07:06, 23/06/2020

Nhiều quốc gia đang phát các tín hiệu khả quan về việc thử nghiệm thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.

Là một trong các quốc gia đi đầu của cuộc đua tìm kiếm vaccine, thuốc điều trị COVID-19, Nga mới đây đã tiết lộ khả năng thuốc Coronavir điều trị các dạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thể nhẹ sẽ được tung ra thị trường vào tháng 7 tới. Ngày 19-6, tại cuộc họp có sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Giám đốc nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm ở Yaroslavl (chi nhánh của R-Pharm), ông Vladimir Kolyshkin khẳng định: “Thuốc Coronavir đã được đăng ký với Bộ Y tế Nga. Đến đầu tháng 7, hơn 150 nghìn gói sẽ hiện diện trên thị trường”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova hôm 18-6 cũng bày tỏ hy vọng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9.

Hôm 10-6 vừa qua, báo giới đưa tin Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đang hợp tác với Công ty Cổ phần Natsimbio (Công ty Miễn dịch sinh học quốc gia) của Tập đoàn Rostec để lên kế hoạch điều chế một loại thuốc dựa trên huyết tương của những bệnh nhân từng mắc COVID-19. Ngày 5-6, Tổng giám đốc RDIF, Kirill Dmitriev thông báo thuốc Avifavir do quỹ này phát triển sẽ được cấp miễn phí ở Nga trong chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc.

Không riêng Nga mà Trung Quốc cũng đang có những cú “bứt phá” rõ rệt trên chặng đường nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Ngày 19-6, Clover Biopharmaceuticals - công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc, thông báo đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người một loại vaccine có khả năng phòng COVID-19. Theo Công ty Clover, loại vaccine này sử dụng kết hợp với vaccine bổ sung của Công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK). Công ty Clover cho biết, quá trình thử nghiệm với sự tham gia của khoảng 150 người lớn cho ra dữ liệu an toàn ban đầu. Dự kiến, loại vaccine này sẽ ra mắt vào tháng 8 tới. 

Những tín hiệu khả quan mở ra hy vọng về khả năng ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 18-6. Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan, dự kiến đến cuối năm nay, tổ chức này có thể sản xuất được vài trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19. WHO đang nghiên cứu ước tính này, với mục tiêu nâng sản lượng lên 2 tỷ liều vào cuối năm 2021. Bà Swaminathan dự báo nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, sẽ có một hoặc hai loại vaccine sẵn sàng đưa vào sử dụng trước năm 2021. 

Nhà nghiên cứu của WHO cũng khẳng định những liều vaccine đầu tiên sẽ dành cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các nhân viên y tế và cảnh sát - những người làm việc nơi tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19, người cao tuổi, người có bệnh nền, cùng những người sống trong các khu ổ chuột và nhà dưỡng lão, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Dường như những lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai gia tăng đã khiến cuộc đua tìm kiếm thuốc điều trị, vaccine ngừa COVID-19 ngày càng quyết liệt hơn. Theo WHO, các nhà khoa học trên toàn thế giới đang phát triển khoảng hơn 200 loại vaccine tiềm năng, trong đó có 10 loại đang được thử nghiệm trên người. Ngoài các quốc gia đi đầu như Nga, Trung Quốc... một số tổ chức và hãng dược phẩm lớn trên thế giới mới đây cũng đồng loạt công bố tin mừng về hoạt động nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. Điển hình là tại Pháp, Tổng giám đốc hãng dược AstraZeneca Pascal Soriot vừa qua cho biết, hãng này đang chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Nếu mọi việc diễn ra như dự kiến, các công dân châu Âu có thể sử dụng vaccine này vào tháng 10-2020.

Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, những tín hiệu đáng mừng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, thuốc điều trị COVID-19 đang mở ra hy vọng mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân, cũng như góp phần đẩy lùi đại dịch đang tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của thế giới./.

Theo Báo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com