Nền kinh tế Pháp đang hồi phục từng bước

07:05, 15/05/2020

Ngày 14-5, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, nền kinh tế Pháp đang phục hồi dần dần. Đây là dấu hiệu tích cực và Chính phủ Pháp muốn duy trì tiến độ phục hồi từng bước thay vì đốt cháy giai đoạn và nguy cơ gián đoạn nếu không tiếp tục các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

 

Cơ quan quản lý Sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle cho biết, 12 máy đo thân nhiệt đã được triển khai, phát hiện những hành khách có nhiệt độ trên 38 độ C. (Ảnh: Le Monde)
Cơ quan quản lý Sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle cho biết, 12 máy đo thân nhiệt đã được triển khai, phát hiện những hành khách có nhiệt độ trên 38 độ C. (Ảnh: Le Monde)

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BFM, Bộ trưởng Bruno Le Maire nhắc lại đánh giá từ lúc mới xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh rằng mức độ ảnh hưởng chắc chắn rất nghiêm trọng và kéo dài. Ông nói, cuộc khủng hoảng này là vấn đề cần giải quyết trong nhiều năm chứ không phải vài tháng.

Để tránh nguy cơ xảy ra tình trạng gián đoạn, Chính phủ Pháp muốn hoạt động phục hồi kinh tế phải diễn ra theo lộ trình và tùy theo lĩnh vực. Thí dụ, ngành xây dựng đã khởi động lại rất nhanh từ tình trạng "ngưng trệ". Dự kiến, 50% các công trường xây dựng có thể nối lại hoạt động thi công vào cuối tháng 5.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Pháp, tăng tốc quá nhanh và nguy cơ tái bùng phát dịch sẽ là điều tồi tệ nhất. Khi đó những nỗ lực chống dịch và khôi phục kinh tế sẽ tiêu tan. Chính vì vậy, các giải pháp khôi phục kinh tế phải được triển khai rất thận trọng nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu củng cố khả năng cạnh tranh quốc tế.

Chính phủ Pháp đã xác định ưu tiên hỗ trợ một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất vượt qua giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Ngày 14-5, Thủ tướng Pháp đã công bố kế hoạch cứu trợ lên tới 18 tỷ euro cho ngành du lịch, hiện vẫn trong tình trạng "đứng yên". Ngành công nghiệp ô-tô và hàng không cũng nằm trong kế hoạch ứng cứu của Chính phủ Pháp, tránh nguy cơ phá sản.

Trong giai đoạn dịch bùng phát, nước Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung cấp sản phẩm y tế. Mới đây nhất là thông báo ngày 13-5, của Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Sanofi rằng, Mỹ sẽ được nhận lô hàng vaccine đầu tiên. Lý do vì Chính phủ Mỹ đã ủng hộ tài chính cho các nghiên cứu vaccine của tập đoàn này.

Ngay lập tức, các quan chức và chuyên gia y tế Pháp đã lên tiếng phản đối ý định trên vì Tập đoàn Sanofi có trụ sở chính ở Paris. Trong cuộc trao đổi với lãnh đạo của tập đoàn này, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định rằng "quyền tiếp cận các loại vaccine là bình đẳng đối với các nước và đây là điều không thể thương lượng".

Về vấn đề sản xuất các sản phẩm y tế, Bộ trưởng Bruno Le Maire cho biết, Pháp sẽ quyết tâm khôi phục lại năng lực sản xuất để có các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng các nhà máy sản xuất ở Pháp như nhà máy sản xuất pin điện trong dự án hợp tác với Đức. Trước đó, Pháp phải nhập từ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.

Ông Bruno Le Maire nói, là một nước phát triển nhưng sản xuất công nghiệp lại đặt ở nước ngoài rất nhiều. Chúng tôi đã chuyển nhà máy ô-tô về Pháp và sẽ sớm triển khai các dự án sản xuất thuốc ở trong nước.

Theo các ngân hàng Pháp, hơn 500 nghìn doanh nghiệp đã nộp đơn vay theo kế hoạch hỗ trợ trị giá 100 tỷ euro được Nhà nước bảo lãnh. Tính tới ngày 7-5, hơn 66 tỷ euro đã được giải ngân, giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Tối 14-5, Bộ Y tế Pháp cho biết, có thêm 351 trường hợp tử vong ở nước này, nâng tổng số lên 27.425 và 507 ca nhiễm mới. Số người nhập viện cũng như bệnh nhân nặng tiếp tục giảm. Hiện, đã có 59.605 người được điều trị khỏi và xuất viện.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com