Châu Âu lục đục chuẩn bị mở cửa nội biên

08:05, 20/05/2020

Sau hai tháng đóng cửa biên giới, Italy sẽ cho phép công dân từ các nước châu Âu tới Italy bắt đầu từ ngày 3-6. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc các quốc gia thành viên mở lại biên giới nội khối, đồng thời khởi động lại các hoạt động đi lại và du lịch.

Ngành Nông nghiệp Italy rất cần lao động nước ngoài trong mùa thu hoạch nông sản. Ảnh: kongnews.it.
Ngành Nông nghiệp Italy rất cần lao động nước ngoài trong mùa thu hoạch nông sản. Ảnh: kongnews.it.

Quyết định cho phép công dân từ các nước châu Âu tới Italy bắt đầu từ ngày 3-6 nằm trong sắc lệnh mới được Chính phủ của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đưa ra ngày 16-5, giờ địa phương. Theo sắc lệnh mới, kể từ ngày 18-5, các quán bar, nhà hàng, các cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp, các hoạt động thể thao đồng đội, các bảo tàng… ở đất nước hình chiếc ủng sẽ mở cửa trở lại. Trong khi đó, các phòng tập thể dục, bể bơi sẽ mở cửa trở lại từ ngày 25-5 và rạp chiếu phim từ ngày 15-6. Tuy nhiên, người dân phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và an toàn vệ sinh. Với hoạt động mua bán, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và găng tay, trường hợp vi phạm sẽ chịu mức phạt từ 400 đến 3.000 euro, các doanh nghiệp không chấp hành sẽ buộc phải đóng cửa từ 5 đến 30 ngày. Người dân Italy có thể tự do di chuyển trong vùng mà không cần tự xác nhận lý do di chuyển, song phải bảo đảm khoảng cách an toàn 1m.

Italy trở thành tâm dịch ở châu Âu kể từ hồi cuối tháng 2-2020 và nước này đã phải ban bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc và đóng cửa biên giới từ ngày 9-3. Việc cho phép tự do đi lại đến Italy cũng như giữa các vùng bắt đầu từ ngày 3-6 được coi là một động thái quan trọng giúp phục hồi nền kinh tế, vốn được Bloomberg dự báo có thể sụt giảm tới 13% trong năm nay. Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti cho rằng, việc mở cửa biên giới Italy cho công dân châu Âu không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn cứu ngành nông nghiệp nước này, với sự trở lại của khoảng 150.000 lao động theo mùa vụ tới từ Romania, Ba Lan, Bulgaria và các quốc gia châu Âu khác để tham gia hoạt động thu hoạch nông sản made in Italy. Coldiretti ước tính hơn 1/4 sản phẩm nông nghiệp made in Italy ở các vùng nông thôn được thu hoạch bởi 370 nghìn lao động mùa vụ nước ngoài, chiếm 27% tổng số lực lượng lao động cần thiết cho ngành nông nghiệp Italy.

Trước đó, đêm 14-5, rạng sáng 15-5, 3 nước: Latvia, Litva và Estonia đã mở cửa biên giới với nhau, tạo ra “bong bóng đi lại” đầu tiên trong EU. Theo Reuters, người dân của 3 quốc gia: Latvia, Litva và Estonia hiện có thể tự do đi lại trong khu vực, trong khi những người ngoài khu vực đến đây vẫn phải tự cách ly 14 ngày. Thủ tướng Litva Saulius Skvernelis cho biết, việc mở cửa biên giới giữa 3 nước là cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại và là tia hy vọng để người dân thấy rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Trong khi đó, Áo tuyên bố sẽ mở lại hoàn toàn biên giới với Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary từ ngày 15-6, qua đó nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các quốc gia láng giềng phía đông này sau khi đã đạt được thỏa thuận tương tự với một số nước láng giềng phía tây, gồm Đức, Thụy Sĩ và Liechtenstein.

Đức cũng cho biết, nước này sẽ dừng các biện pháp kiểm soát biên giới với Đan Mạch trong một vài ngày tới và từ ngày 15-6, nước này cũng sẽ không tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp, Áo và Thụy Sĩ. Ngày 16-5, Ngoại trưởng Đức Heilko Maas cũng kêu gọi Chính phủ Ba Lan và Cộng hòa Séc mở cửa lại biên giới để cho phép hàng hóa lưu thông và người dân các nước được tự do qua lại.

Bất luận đề xuất của EU về mở lại biên giới nội khối, Pháp là quốc gia đầu tiên trong Schengen tuyên bố sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đến cuối tháng 10 năm nay. Trong một tuyên bố ngày 16-5, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, Paris lấy làm tiếc với “các quyết định đơn phương” về việc mở lại biên giới châu Âu của Italy và Đức. Với các quốc gia chưa tính tới việc mở cửa biên giới trong tháng 6 tới như Thụy Điển và Đan Mạch, lý do quan trọng nhất được các nước này đưa ra là ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới./.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com