Các nước cảnh giác cao độ khi khôi phục kinh tế

08:05, 15/05/2020

Số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng lên, các ổ dịch mới cùng nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở một số quốc gia trên thế giới đang phủ bóng lên những nỗ lực hồi sinh nền kinh tế…

Các công nhân trở lại làm việc tại công trường xây dựng ở thành phố New York được đo thân nhiệt.  Ảnh: New York Times
Các công nhân trở lại làm việc tại công trường xây dựng ở thành phố New York được đo thân nhiệt. Ảnh: New York Times

Giới chức y tế Mỹ vừa cảnh báo về một làn sóng COVID-19 mới vào mùa thu năm nay và cho rằng, hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu các bang gỡ những biện pháp giãn cách xã hội quá sớm trong khi tái mở cửa nền kinh tế. Trả lời tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ, Giám đốc Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia của Mỹ, ông Anthony Fauci cảnh báo việc dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội quá nhanh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm các đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19, nếu những hướng dẫn về mở cửa trở lại không được tuân thủ. Ông cho biết, chính phủ đã xây dựng hướng dẫn cho chính quyền các bang về các hoạt động mở cửa an toàn, theo đó bước đầu tiên quan trọng là những ca nhiễm mới phải giảm trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, căn cứ vào những con số thống kê mới nhất, mục tiêu trên của chính phủ Mỹ khó mà đạt được khi nước này tiếp tục ghi nhận những ca lây nhiễm và tử vong mới. Theo số liệu của Đại học John Hopkins (Mỹ), đến sáng 13-5 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận thêm 1.894 ca tử vong và 22.591 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Kết quả một cuộc khảo sát mới đây do CNN/SSRS tiến hành cho thấy 35% số người được hỏi cho biết họ sợ dịch bệnh có thể quay lại vào cuối năm nay, 46% trả lời không sợ mà chỉ lo ngại. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy, 47% số người được hỏi bày tỏ lo ngại số người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có thể vượt qua 100 nghìn người.

Cũng như nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, dù sốt ruột trước sức hủy hoại của dịch bệnh đối với nền kinh tế nhưng trước mối nguy rõ ràng của đại dịch đối với sức khỏe và sinh mạng con người, quốc gia hàng đầu thế giới này không thể không có những bước đi thận trọng. Bang New York, tâm dịch của nước Mỹ, mới chỉ cho phép 3 khu vực nông thôn miền Bắc của bang nối lại các hoạt động bình thường vào cuối tuần này. Còn trước mắt sẽ chỉ có ngành xây dựng, sản xuất và bán lẻ được phép mở cửa trở lại. 

Hàn Quốc cũng đang gặp phải tình huống khó xử tương tự sau khi phát hiện nhiều ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Quốc gia này vừa phải đối mặt với thách thức khôi phục nền kinh tế bị đình trệ, vừa phải nỗ lực khống chế dịch bệnh đang đe dọa tính mạng và tổn hại sức khỏe của người dân. Hàn Quốc đã quyết định hoãn mở cửa trở lại các trường học thêm 1 tuần trong bối cảnh gia tăng lo ngại sẽ có làn sóng COVID-19 thứ hai, sau khi chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại ở một số nước đã nới lỏng phong tỏa, cũng như bùng phát ổ dịch mới liên quan tới 5 quán bar và hộp đêm ở Itaewon tại Thủ đô Seoul. Tuy nhiên, nước này cho biết, sẽ không áp đặt trở lại giãn cách xã hội nếu số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn dưới mức 50. Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang Lip cho biết, cơ quan chức năng đã tìm được 95% số ca nhiễm mới liên quan tới ổ dịch mới phát hiện. Hiện giờ nước này vẫn đang giám sát tình hình lây nhiễm và sẽ cân nhắc có nên áp dụng lại chính sách giãn cách hay không. 

Còn ở châu Âu, mặc dù đã mở cửa trở lại hàng nghìn trường học vào ngày 12-5 sau khi chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa, nhưng nước Pháp vẫn chuẩn bị cho khả năng tái giãn cách xã hội và phong tỏa trở lại. Trong phiên điều trần trước hạ viện, ông Jean Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa quốc gia cho biết, nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, chính phủ sẽ không đợi đến ngày 2-6 (ngày bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa) mới phản ứng. Khả năng các biện pháp phong tỏa mới có thể sẽ chỉ áp dụng với các địa phương có số ca nhiễm cao bất thường. 

Trong khi đó, diễn biến đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung vẫn tiếp tục phức tạp khi Mỹ Latin được dự báo có thể trở thành “điểm nóng” COVID-19 tiếp theo do sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh tại nhiều nước trong khu vực. Tổ chức Bác sĩ không biên giới nhận định, diễn biến dịch bệnh đang trở nên đáng quan ngại tại các nước trong khu vực như Brazil, Peru, Ecuador, Chile và Mexico, với số ca mắc và tử vong tăng mạnh theo từng ngày. Kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên hôm 26-2 tại Brazil, tính tới thời điểm hiện tại khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận trên 380 nghìn ca bệnh, trong đó có hơn 21.500 ca tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, “sự cảnh giác cực độ” là cần thiết bởi nhiều quốc gia bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Người đứng đầu chương trình các tình trạng khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Mike Ryan, cảnh báo: “Dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng lại không có khả năng điều tra các nhóm bệnh nhân, thì sẽ luôn có khả năng loại virus này sẽ bùng phát trở lại”./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com