Nếu hậu quả dịch COVID-19 quá lớn, Liên minh châu Âu có thể tan vỡ

08:03, 16/03/2020

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát tại nhiều nước châu Âu.

Sau một thời gian bị nhận định là không đánh giá đúng về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và không có các biện pháp phản ứng kịp thời, đến nay châu Âu đã có thay đổi về cách tiếp cận trong phòng chống cũng như ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Thêm nhiều nước phong tỏa lãnh thổ, đóng cửa biên giới.

Ngày 14-3 đã có quốc gia châu Âu thứ 2 sau Italy thực hiện biện pháp phong toả toàn bộ lãnh thổ là Tây Ban Nha. Nước này buộc phải hành động khi số ca nhiễm và ca tử vong gia tăng chóng mặt mỗi ngày. Nhiều khả năng trong một vài tuần tới, hoặc một vài ngày tới, chúng ta còn được chứng kiến nhiều quyết định phong toả khác.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Ảnh: Internet
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Ảnh: Internet

Nhiều nước khác như Áo, Đan Mạch, Na Uy, Cộng hòa Séc… đã đóng cửa biên giới. Những nước chưa đóng cửa biên giới thì cắt bỏ hầu như toàn bộ các chuyến bay đến các điểm dịch và hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân trong nội địa hoặc ra quốc tế. Ở trong nước, các hoạt động bị hạn chế tối đa. Nhiều nước chỉ cho phép mở cửa các cửa hàng, dịch vụ thiết yếu như hiệu thuốc, siêu thị còn ra lệnh đóng cửa tất cả nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ, nhà hát, rạp chiếu phim. Tất cả các sự kiện thể thao và văn hoá lớn bị huỷ, chỉ có những sự kiện nhỏ dưới 100 người thì vẫn đang được phép hoạt động, ngoại trừ tại Italy và Tây Ban Nha. Có thể nói, ở thời điểm này, châu Âu đang tê liệt.

Thực tế này cho thấy là sau một thời gian chần chừ, thậm chí là xem nhẹ dịch COVID-19, các nước châu Âu đã buộc phải hành động. Các nước này có thể nghi ngờ các thông tin phát đi từ Trung Quốc nhưng hiện thực quá khắc nghiệt ở Italy khiến họ không thể chủ quan được nữa.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì sự thay đổi này mang nặng tính bị động. Các nước châu Âu đã hơn 1 tháng, thậm chí gần 2 tháng để nhìn vào dịch ở Trung Quốc mà có sự chuẩn bị nhưng đến cách đây 2 tuần, các nước gần như không có biện pháp quyết liệt nào. Đó là chưa kể mỗi nước châu Âu lại có những cách ứng phó với dịch rất khác nhau. Chúng ta đã thấy Italy và Tây Ban Nha phải quyết liệt phong toả giống như Trung Quốc, hoặc các nước Bắc Âu, Trung Âu thì đã sớm đóng cửa biên giới nhưng một số nước như Pháp, Anh vẫn bị chỉ trích là phản ứng chậm.

Cần phải nhìn nhận một thực tế đó là các nước châu Âu cũng gặp nhiều cản trở nếu muốn thực thi các biện pháp quyết liệt như tại Trung Quốc. Lý do là vì xã hội châu Âu rất tôn trọng quyền tự do cá nhân nên các chính phủ rất e ngại khi phải ra các quyết định thu hẹp quyền tự do của người dân, dù trong các đợt khủng hoảng có tính chất toàn cầu như thế này thì đôi khi buộc phải có những biện pháp mạnh.

Những tác động

Hiện nay, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu áp dụng những biện pháp quyết liệt giống như ở một số châu Á, trong đó có phong toả các địa bàn, hạn chế đi lại, huỷ bỏ các sự kiện quan trọng, đóng cửa hàng quán… những biện pháp được nhận định là “chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế để phòng chống dịch bệnh”.

Hiện chỉ còn những hoạt động cực kỳ thiết yếu được duy trì. Du lịch đã đóng băng từ 2 tháng qua, các ngành sản xuất chắc chắn sẽ bị đình trệ vì người dân được kêu gọi ở lại trong nhà, không ra đường trừ việc khẩn cấp. Hàng không cũng coi như tê liệt. Trong những ngày qua, toàn bộ cuộc sống đang chậm lại. Paris là thủ đô của nước Pháp, là một trong những thành phố lớn nhất châu Âu và cũng là nơi giao thông đông đúc, tắc đường thường xuyên. Nhưng vài ngày qua thì đường phố rất vắng vẻ. Các cửa hàng đóng cửa rất nhiều vì thiếu vắng khách. Các trung tâm thương mại lớn hoặc các điểm du lịch cũng hầu như vắng bóng du khách.

Một loạt các doanh nghiệp châu Âu bắt đầu phá sản hoặc phải sa thải nhân viên, như hãng hàng không Flybe của Anh, ngân hàng ABN Ambro của Hà Lan, hay hãng Lufthansa của Đức. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, tổ chức sự kiện… thì doanh số tụt giảm khủng khiếp. Như tại thủ đô Paris, các khách sạn mất 80-90% lượng khách đặt phòng.

Tác động khủng khiếp của dịch COVID-19 cũng có thể cảm nhận qua cách đối phó của chính phủ các nước. Tại Italy, chính phủ nước này quyết định chi 25 tỷ euro để cứu nền kinh tế dù Italy đang là nước có số nợ công lớn thứ hai ở châu Âu. Tây Ban Nha dự định tung gói cứu trợ 18 tỷ euro. Anh dự định chi 30 tỷ bảng. EU đã quyết định lập một Quỹ đầu tư 35 tỷ euro và tuyên bố nới lỏng mọi quy định về kỷ luật ngân sách của khối, tức cho phép các nước thâm hụt ngân sách trên 3%. Pháp tuy chưa công bố gói cứu trợ nhưng quyết định chi trả toàn bộ thiệt hại cho các doanh nghiệp có nhân viên không thể đi làm hay phải làm việc từ xa. Số tiền này cũng lên tới gần 10 tỷ euro. Pháp cũng cho các doanh nghiệp hoãn nộp thuế mà không cần bất cứ lý do gì.

Và đặc biệt là Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, đã quyết định tung ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá ít nhất lên tới 550 tỷ euro, tức là gấp hơn 2 lần một nền kinh tế hạng trung ở châu Âu. Đây là số tiền lớn nhất mà nước Đức chi ra kể từ sau Thế chiến 2, cao hơn cả những gì mà Đức đã chi ra trong đợt khủng hoảng kinh tế 2008. Tại Pháp, các chính trị gia nước này cũng đang kêu gọi nước Pháp phải tung ra một gói cứu trợ có tầm cỡ như Đức vì như Tổng thống Pháp Macron tuyên bố, COVID-19 là đại dịch nghiêm trọng nhất với nước Pháp trong 1 thế kỷ qua.

Hệ quả nhãn tiền

Đây là một đại dịch nên hệ quả đầu tiên, dĩ nhiên là về mặt sức khoẻ, tính mạng của người dân. Ngoài ra, đại dịch này cũng làm đảo lộn mọi tổ chức và sinh hoạt của cộng đồng, tạo nên các sang chấn tâm lý cho nhiều thế hệ.

Các nước châu Âu chưa khi nào rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội nghiêm trọng như thế trong gần 1 thế kỷ qua, có lẽ là từ sau Thế chiến 2. Không ai dám chắc hệ quả của sự biến động lần này lớn đến mức nào nhưng nếu nó diễn biến xấu thì châu Âu chắc chắn sẽ không còn bao giờ được như trước kia nữa.

Về mặt kinh tế, chưa ai tính toán được các thiệt hại của châu Âu nhưng Uỷ ban châu Âu đã thừa nhận là gần như chắc chắn khối này sẽ tăng trưởng âm trong năm nay vì dịch có lẽ phải mất vài tháng nữa mới suy yếu. Trong một thập kỷ qua châu Âu đã liên tiếp phải đối mặt với những thách thức cực kỳ lớn, từ khủng hoảng kinh tế 2008, khủng hoảng nợ công từ 2012, khủng hoảng tị nạn 2015, Brexit 2016 nhưng dịch COVID-19 này là thách thức sống còn nghiêm trọng nhất với châu Âu.

Đã có những phân tích lo ngại rằng nếu hậu quả của COVID-19 quá lớn, Liên minh châu Âu có thể tan vỡ. Ít nhất đến thời điểm này, khi các nước ồ ạt đóng cửa biên giới thì chúng ta có thể thấy là Hiệp ước Schengen về tự do đi lại mang tính biểu tượng của châu Âu trên thực tế đã không còn giá trị./.

Quang Dũng (VOV)

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com