Rạn nứt quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines

08:02, 13/02/2020

Cuối cùng, sau nhiều lần đe dọa, Tổng thống Philippines Duterte đã quyết định hủy một thỏa thuận quân sự cho phép Mỹ triển khai quân đồn trú tại nước này. Liệu rạn nứt này có phải là màn khởi đầu cho một mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn giữa hai đồng minh lợi ích?

Đó chỉ là một trong những nhận định được đưa ra khi quan hệ giữa Philippines và Mỹ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong thời gian gần đây. Nhà lãnh đạo Philippines hủy Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) ký năm 1999 với Mỹ nhằm phản đối Washington hủy thị thực của thượng nghị sĩ Philippines Ronaldo Dela Rosa và từ chối cho ông này nhập cảnh. Đại sứ quán Mỹ tại Philippines không giải thích lý do, nhưng dường như quyết định bắt nguồn từ những cáo buộc giết người không qua xét xử trong hơn hai năm ông Rosa giữ chức Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Philippines. Ông Rosa từng đứng đầu lực lượng hành pháp phụ trách chiến dịch trấn áp ma túy mà ông Duterte khởi động năm 2016, theo đó cảnh sát được quyền bắn chết các nghi phạm tại chỗ mà không cần qua xét xử.

Binh lính Mỹ và Philippines trong một hoạt động huấn luyện chung năm 2017 tại căn cứ Magsaysay ở Santa Rosa của Philippines. Ảnh: Getty Images
Binh lính Mỹ và Philippines trong một hoạt động huấn luyện chung năm 2017 tại căn cứ Magsaysay ở Santa Rosa của Philippines. Ảnh: Getty Images

Một động thái khác gần đây cho thấy quan hệ Mỹ - Philippines không êm ấm, khi Tổng thống Duterte vừa tái chỉ trích Mỹ can thiệp vào tình hình nội bộ của Philippines, viện dẫn một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu Manila thả thượng nghị sĩ đối lập của nước này là Leila De Lima. Ông cũng nói sẽ cấm một số thượng nghị sĩ Mỹ nhập cảnh Philippines. Nhà lãnh đạo Philippines còn cấm các quan chức nội các tới Mỹ và hủy bỏ lời mời của Tổng thống Donald Trump về cuộc gặp đặc biệt mà nhà lãnh đạo Mỹ sẽ chủ trì với lãnh đạo các nước ASEAN vào tháng 3 tới ở Las Vegas (Mỹ).

Trước đây, vào cuối năm 2016, Tổng thống Duterte từng đe dọa hủy bỏ VFA khi cơ quan viện trợ Mỹ tạm đình chỉ tài trợ cho các dự án chống đói nghèo tại Philippines.

Washington hiện là đồng minh quốc phòng lớn nhất của Manila và hàng triệu người dân nước này có người thân là công dân Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không hề che giấu sự khó chịu với Washington. Trước khi quyết định hủy thỏa thuận VFA, Tổng thống Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận về triển khai binh sĩ và vũ khí cho các cuộc tập trận song phương này. 

Đối với Philippines, thỏa thuận VFA được cho là mang lại những lợi ích rất quan trọng cho Philippines về mặt an ninh, thương mại và kinh tế. Thỏa thuận được xem là văn bản để hợp thức hóa sự hiện diện của hàng nghìn binh lính Mỹ tại Philppines để tham gia các hoạt động tập trận chung và hỗ trợ nhân đạo với quốc gia Đông Nam Á này. Chưa kể việc hai nước đã ký một hiệp định quốc phòng riêng vào năm 2014 là Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép gia hạn thời gian lưu trú của quân đội Mỹ và cấp phép các hoạt động xây dựng, bảo dưỡng hạ tầng quốc phòng, vũ khí tại 5 khu trại quân sự cụ thể của Philippines. 

Việc hủy bỏ VFA sẽ ảnh hưởng đến hơn 300 hoạt động huấn luyện và các chương trình hợp tác khác diễn ra giữa lực lượng quân đội hai nước. Chính vì thế, quyết định của ông Duterte không được sự ủng hộ của một số quan chức trong chính quyền, bao gồm Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ngoại trưởng Locsin cảnh báo biện pháp này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ. Ông còn nhấn mạnh nguy cơ quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ trở nên lạnh nhạt nếu Philippines hạ thấp liên minh với Washington. Mỹ không chỉ đóng vai trò là một đối tác thương mại quan trọng với Manila mà còn là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Philippines. Theo ông Locsin, các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và hợp tác với Mỹ là cần thiết để quân đội và lực lượng hành pháp nước này củng cố năng lực trong đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia. 

Cũng theo Ngoại trưởng Philippines, quân đội Mỹ đã cung cấp các thông tin tình báo, huấn luyện và viện trợ để Philippines đối phó với nạn buôn người, tấn công an ninh mạng, buôn bán trái phép chất gây nghiện và chủ nghĩa khủng bố. Đặc biệt, các hỗ trợ quân sự của Mỹ đã giúp lực lượng Philippines đẩy lùi các tay súng có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại miền Nam Marawi vào năm 2017. Ông cũng lo ngại Mỹ có thể tìm cách hủy nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ (MDT) chung và EDCA… 

Tuy nhiên, loạt động thái kiên quyết của Philippines sau tuyên bố hủy thỏa thuận VFA với Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy Manila đang dần có những thay đổi trong chính sách quan hệ với đồng minh Washington. “Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác”, đó là lời khẳng định của ông Salvador Panelo, người phát ngôn Tổng thống vào ngày 11-2 tại một cuộc họp báo ở Manila./.

Theo QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com