Mỗi năm có 20 triệu người di cư do khủng hoảng khí hậu

08:12, 03/12/2019

Theo báo cáo từ tổ chức Oxfam, biến đổi khí hậu đã khiến 20 triệu dân phải chuyển tới nơi ở mới mỗi năm, tương đương cứ 2 giây lại có người di cư.

Bão Irma để lại lũ lụt nghiêm trọng sau khi đổ bộ vào Cuba vào tháng 9-2017.  Ảnh: CNN
Bão Irma để lại lũ lụt nghiêm trọng sau khi đổ bộ vào Cuba vào tháng 9-2017.
Ảnh: CNN

Hiện nay, khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính khiến số lượng người di cư tăng. Số lượng người di cư ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới chiếm đa số, mặc dù lượng khí thải carbon ở những nước này thấp hơn so với những quốc gia giàu có. 

Báo cáo được công bố vào 25-11 cho thấy, khả năng con người phải di cư do lũ lụt, lốc xoáy và hỏa hoạn cao gấp 7 lần khi có núi lửa và động đất, và cao gấp 3 lần khi xảy ra các cuộc xung đột. 

Vấn đề này là một trong những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 25 tại Madrid, Tây Ban Nha. Tổ chức Oxfam kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ cho chương trình khôi phục tại các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp như Ấn Độ, có khả năng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cao gấp 4 lần so với các nước thu nhập cao như Tây Ban Nha và Mỹ. 

Vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc di cư. Hiện tại, khoảng 80% những người di cư sống ở châu Á. Những đảo quốc nhỏ đang phát triển như Cuba, Dominica và Tuvalu, bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, chiếm 7 trong tốp 10 nước có tỷ lệ di cư cao nhất do khủng hoảng khí hậu từ năm 2008 đến năm 2018. 

Theo báo cáo phân tích dữ liệu của Trung tâm kiểm soát di cư nội địa, những người sống tại các đảo quốc nhỏ đang phát triển có khả năng di cư do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cao gấp 150 lần so với những người dân ở châu Âu. 

Tim Gore, Trưởng phòng chính sách của Oxfam về thay đổi khí hậu và thực phẩm, cho biết, người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những quốc gia vừa có khí hậu khắc nghiệt vừa xảy ra xung đột như Somalia sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn.

Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy thu hút nhiều sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, hiện tượng khí hậu diễn biến chậm như mực nước biển dâng cao cũng có tác động tới môi trường. Chẳng hạn như, lũ lụt ảnh hưởng tới đất nông nghiệp ở vùng ven biển khiến diện tích đất đó không canh tác được, buộc người dân phải di cư. 

Hiện nay, tổ chức Oxfam đang kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới giảm lượng khí thải nhiều nhất có thể. Các nước đang phát triển cũng được hỗ trợ từ các nước phát triển qua cơ chế tài chính để đối phó với thiệt hại do khí hậu khắc nghiệt. 

Dữ liệu trong báo cáo cho thấy, các quốc gia phát triển ít phải đối mặt với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, những nước này cũng không tránh khỏi tình trạng di cư. Biến đổi khí hậu sẽ không “phân biệt đối xử”, ông Gore cho biết. 

Bob Ward, Giám đốc chính sách tại Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường, cho biết, số lượng người di cư nội địa tăng do dân số ở các khu vực này ngày càng cao. Ông Ward cũng nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh. “Mặc dù khó có thể chỉ ra rằng biến đổi khí hậu tạo ra sự bất ổn và xung đột chính trị, theo cách mà cộng đồng an ninh quốc gia mô tả biến đổi khí hậu như một sự đe dọa”, ông cho biết thêm./.

Theo VOV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com