Đức đóng cửa toàn bộ nhà máy hạt nhân, đau đầu bài toán xử lý chất thải

08:12, 02/12/2019

Khi Đức tuyên bố đóng cửa toàn bộ nhà máy hạt nhân, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là 28 nghìn m3 chất thải độc hại - với diện tích gấp 6 lần Tháp Big Ben - sẽ được chôn ở đâu?

Hãng CNN đưa tin các chuyên gia Đức đang tìm kiếm địa điểm an toàn để chôn gần 2.000 container chất thải phóng xạ mức cao. Địa điểm này cần phải nằm ở vùng đá rắn, không có nước ngầm hoặc động đất để tránh nguy cơ rò rỉ. 

Thách thức về mặt công nghệ - như vận chuyển chất thải độc hại chết người, tìm ra loại vật liệu để làm hầm chứa và thậm chí là vấn đề thông báo về sự tồn tại của 28 nghìn m3 chất thải cho thế hệ sau - đều rất lớn. Tuy nhiên, thử thách nan giải nhất hiện nay chính là việc phải tìm ra một cộng đồng dân cư sẵn sàng sống gần những bãi rác hạt nhân.

Cảnh tượng phá hủy tháp làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Muelheim-Kaerlich, Đức hồi tháng 8. Ảnh: AFP
Cảnh tượng phá hủy tháp làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Muelheim-Kaerlich, Đức hồi tháng 8. Ảnh: AFP

Đức quyết định xóa sổ toàn bộ nhà máy hạt nhân để tránh nguy cơ đối mặt với thảm họa tại nhà máy điện Fukushima (Nhật Bản) năm 2011. 7 nhà máy đang hoạt động hiện nay sẽ bị đóng cửa vào năm 2022. Trong khi đó, hạn chót của Chính phủ Đức đề ra để tìm ra nơi chôn chất thải hạt nhân dài hạn là năm 2031. 

Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết đã đặt mục tiêu tìm được một kho lưu trữ cuối cùng cho lượng chất thải phóng xạ đảm bảo yếu tố an toàn và an ninh tốt nhất trong khoảng thời gian một triệu năm. 

Hiện tại, chất thải phóng xạ mức độ cao đang được chứa ở các cơ sở tạm thời, thường nằm gần nhà máy chính. Tuy nhiên, Giáo sư Miranda Schreurs, thành viên nhóm tìm kiếm địa điểm mới, cho biết những cơ sở tạm nói trên chỉ được thiết kế để bảo quản rác trong vài thập kỷ. 

Giống như tên gọi, chất thải phóng xạ mức độ cao là loại dễ gây tử vong nhất. Nó bao gồm các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở nhà máy điện hạt nhân. Bà Schreurs nói: “Nếu bạn mở một hộp đựng những thanh nhiên liệu trong đó, bạn sẽ chết ngay lập tức”. 

Ngoài ra, các thanh nhiên liệu này vô cùng nóng, rất khó vận chuyển. Do vậy, chúng đang được cất trữ trong thùng container để làm nguội. Có hàng chục cơ sở lưu trữ tạm thời như vậy ở khắp nước Đức. 

Nhóm của bà Schreurs đang tìm kiếm một nơi chứa vĩnh viễn, với độ sâu 1km dưới lòng đất. Nơi này cần phải rất ổn định về mặt địa chất, không có động đất, không có nước ngầm, không được có đá xốp.

Phần Lan, hiện có 4 nhà máy điện hạt nhân và đang dự định xây thêm trong tương lai, đang là nước dẫn đầu trong lĩnh vực này. Họ xây hầm chứa chất thải vĩnh viễn ở sâu dưới tầng đá nền granite. 

Vấn đề của Đức là họ không có nhiều đá granite đến vậy. Thay vào đó, Berlin phải chôn chất thải vào đá muối, đá sét và đá granite kết tinh. Trong năm sau, nhóm chuyên gia hy vọng sẽ tìm ra các bãi chôn an toàn tại Đức bởi họ không có kế hoạch xuất khẩu rác phóng xạ. Địa điểm cuối cùng sẽ được chôn kín vào khoảng năm 2130-2170.  

Các chuyên gia truyền thông cũng tìm cách để báo lại cho thế hệ tương lai, cách hàng nghìn năm khi ngôn ngữ có thể hoàn toàn khác biệt, để họ không xâm phạm vào khu vực chôn rác. Bà Schreurs cũng thừa nhận rằng chẳng có người dân nào muốn sống gần bãi chôn rác phóng xạ. Điển hình, người dân làng Gorleben ở Hạ Saxony đã đấu tranh hơn 40 năm nay để chính phủ không xây bãi chứa chất thải mức độ cao vĩnh viễn ở gần nhà của họ./.

Hoàng Trang (TTXVN)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com