Cuộc chiến chống bệnh lao ở Ấn Độ

08:10, 10/10/2019

Khu ổ chuột Narela ở phía bắc New Delhi (Ấn Độ) là một trong những khu vực nằm trong chương trình tuyên truyền phòng chống bệnh lao - căn bệnh cướp đi sinh mạng của 420 nghìn người trong năm 2017. Căn bệnh này cũng là một trong những chủ đề của Hội nghị Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét khai mạc ngày 9-10 tại Lyon (Pháp).

Một cuộc diễu hành tuyên truyền, phòng chống bệnh lao ở Hyderabad, miền Trung Ấn Độ.  Ảnh: liberation.fr
Một cuộc diễu hành tuyên truyền, phòng chống bệnh lao ở Hyderabad, miền Trung Ấn Độ. Ảnh: liberation.fr

Lao - căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới

Với chiếc ba lô trên vai, mặc quần jean và đi giày thể thao, Suraj bước nhanh tới khu ổ chuột Narela. Cậu nhân viên xã hội trẻ tuổi này đi từng nhà tuyên truyền cho người dân ở đây những dấu hiệu phát hiện sớm bệnh lao. “Nếu có ai ở nhà hoặc ở khu vực xung quanh bị ho, khạc nhổ đờm hoặc đau ngực trong hai tuần thì đây là dấu hiệu của bệnh lao”, Suraj nói.

Chiến dịch tuyên truyền phòng chống bệnh lao do Liên minh chống lao toàn cầu phát động. Tổ chức quốc tế này, từ năm 2010, đã triển khai một trong những chương trình lớn nhất trong nước, được gọi là Axshya, với sự tài trợ từ Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét. Khu ổ chuột là mục tiêu chính của chiến dịch này bởi đây là nguồn gốc lây nhiễm. “Ở đây, không có thông gió trong nhà, mọi người không dùng khăn mùi xoa che miệng khi ho. Hơn nữa, họ nghèo, ăn uống không đầy đủ nên cơ thể dễ bị tổn thương”, Mohammed Mudassar, người quản lý chương trình Axshya tại Narela cho biết.

Nhờ có chương trình này mà Bharti Kapar được cứu mạng. Cách đây 18 tháng, người phụ nữ 24 tuổi này bị ho nặng. Cô được 4 bác sĩ tư khám và chẩn đoán cô mắc bệnh thương hàn. Cô đã nhập viện ba lần để lấy dịch dạ dày đi xét nghiệm nhưng kết quả không thay đổi. Sau một năm, cô nằm liệt giường, không thể đi lại được. Sau đó, Bharti nghe Suraj tuyên truyền về bệnh lao nên quyết định đi xét nghiệm lại. Kết quả cho thấy, cô đã bị lao phổi. Sau 6 tháng điều trị, sức khỏe của cô khá hơn nhưng vẫn yếu. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao đang lây lan trong tầng lớp lao động trẻ của Ấn Độ. Trong số 10 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới năm 2017, có 2,7 triệu người ở Ấn Độ. Tỷ lệ tử vong do bệnh lao gây ra ở Ấn Độ lên tới 421 nghìn trong tổng số 1,6 triệu bệnh nhân qua đời do loại virus này (tương đương số bệnh nhân nhiễm AIDS). Nếu căn bệnh thế kỷ AIDS từng là nỗi ám ảnh một thời thì bệnh lao vẫn trở thành căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới.

Nỗ lực lớn của chính phủ Ấn Độ

Năm 2015, WHO đã gióng hồi chuông báo động về sự lan rộng của bệnh lao. WHO nhấn mạnh, mục tiêu loại bỏ căn bệnh này vào năm 2030 sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia tích cực của Chính phủ Ấn Độ. New Delhi đã tuyên chiến với căn bệnh này, tăng gấp đôi ngân sách trong hai năm lên tới 418 triệu euro vào năm 2018 (trong đó hơn 110 triệu euro từ nguồn tài trợ nước ngoài). Ấn Độ khẳng định sẽ nhổ tận gốc căn bệnh vào năm 2025.

Vì vậy, thay vì chờ bệnh nhân đến khám, chính phủ Ấn Độ đã tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, như: Hỗ trợ thực phẩm trị giá 500 rupee (6,39 euro) mỗi tháng cho mỗi bệnh nhân, khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân, điều trị dự phòng cho những người không bị nhiễm bệnh cũng như trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với bệnh nhân. Trẻ em sơ sinh cũng được tiêm vắc-xin BCG để phòng bệnh lao. Năm 2018, 2,15 triệu bệnh nhân Ấn Độ đã được điều trị, tăng cao so với 1,9 triệu vào năm 2017.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc điều trị bệnh lao là thời gian kéo dài và phức tạp. Bệnh nhân phải uống tối thiểu bốn loại kháng sinh mỗi ngày trong ít nhất 6 tháng. Do đó, việc theo dõi bệnh là rất cần thiết nhưng các bác sĩ tại các bệnh viện công, nơi chăm sóc miễn phí bệnh nhân lao, lại quá mỏng. Thêm vào đó, tình trạng kháng kháng sinh cũng khiến mục tiêu loại bỏ bệnh lao gặp nhiều khó khăn. WHO ước tính rằng, 135 nghìn người “đa kháng thuốc”, nghĩa là họ không còn đáp ứng với ít nhất hai loại kháng sinh “tiền tuyến” mạnh nhất là rifampicin và isoniazid. May mắn là hiện đã có thuốc điều trị “đa kháng sinh” là bedaquiline và delamanid. Hai loại thuốc này đã được Mỹ và châu Âu phê duyệt từ năm 2013 đến 2014, và WHO đã kịp thời khuyến nghị dùng bedaquiline để thay thế thuốc tiêm, vì xét nghiệm lâm sàng loại kháng sinh này mang lại 79% cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, những loại thuốc này rất đắt, nhất là đối với bệnh nhân nghèo. Trước thực tế trên, Bộ Y tế Ấn Độ đã quyết định chi khoản tiền lớn để mua loại thuốc mới này trong những tháng tới - một bước đầu tiên nhỏ để ngăn chặn đại dịch lao./.

Theo QĐND

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com