Ưu tiên cam kết về khí hậu

08:09, 10/09/2019

Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của người dân trên toàn cầu đã rõ ràng hơn bao giờ hết, nhất là tại nhiều khu vực ở châu Phi. Cùng các nguồn hỗ trợ tài chính, nhân lực và kỹ thuật từ các cường quốc và các tổ chức quốc tế, “lục địa đen” hiểu rằng, ưu tiên và đẩy mạnh thực hiện một cách hiệu quả các cam kết về chống biến đổi khí hậu là cách để “tự cứu mình”.

Người dân Mô-dăm-bích trở về nhà sau bão Idai. Ảnh AP
Người dân Mô-dăm-bích trở về nhà sau bão Idai. Ảnh AP

Thiên tai xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có ở châu Phi, đe dọa sự tồn tại, cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực quan trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến các cộng đồng dễ bị tổn thương. Trong một tuyên bố mới đây, Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) cho biết, khoảng 90% số thảm họa thiên nhiên xảy ra ở khu vực Nam Xa-ha-ra có liên quan tình trạng thay đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan. Thiên tai làm giảm từ 10 đến 20% sản lượng các ngành kinh tế của các nước trong khu vực. Hạn hán, lũ lụt gây mất mùa là các nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng ở 14 trong tổng số 16 quốc gia thành viên thuộc Cộng đồng phát triển khu vực nam châu Phi (SADC).

Trong bối cảnh trên, Hội đồng Hòa bình và An ninh AU khẳng định, việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm đối phó biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thiên tai, là yêu cầu cấp thiết của các quốc gia thành viên AU. Hội đồng khuyến nghị chính phủ các nước tăng cường thực hiện các cam kết, thỏa thuận khu vực và quốc tế hiện có, nhằm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo AU, các văn kiện nổi bật mà các nước châu Phi tham gia gồm: Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, Nghị định thư Môn-trê-an về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, Khuôn khổ Xen-đai về giảm rủi ro thiên tai, cũng như bốn ưu tiên của AU về ngăn chặn và giảm thảm họa thiên nhiên.

Hạn hán triền miên cùng hàng loạt thiên tai xảy ra từ đầu năm nay, điển hình là siêu bão Idai hồi tháng 3, khiến nhiều gia đình châu Phi lâm vào cảnh kiệt quệ. Thực tế đó đặt châu Phi trước yêu cầu tăng cường đầu tư quản lý, nhằm nâng cao khả năng phục hồi, cũng như năng lực phòng, chống thiên tai. Một trong những biện pháp được đưa ra và châu Phi có thể thực hiện ngay, đó là phối hợp xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, thành lập các trung tâm chỉ huy hoạt động suốt 24 giờ, nhằm theo dõi chặt chẽ và đưa ra cảnh báo kịp thời.

Thực tế, để thực hiện những ưu tiên trong các kế hoạch đề ra, thúc đẩy thực hiện các cam kết và thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, các nước châu Phi cần một nguồn lực không nhỏ về tài chính, nhân lực và kỹ thuật từ các cường quốc, đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi chính phủ các nước châu Phi và các đối tác phát triển hỗ trợ nông dân ở khu vực đối phó các mối đe dọa do biến đổi khí hậu, thông qua chính sách mang tầm quốc gia. FAO nhấn mạnh việc xây dựng "khả năng phục hồi" cho nông dân là một trong những ưu tiên, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về lương thực cho hơn hai tỷ người ở lục địa này vào năm 2050.

Cùng nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hỗ trợ châu Phi, Nhật Bản chọn hướng tiếp cận thông qua những gói vay ưu đãi, dự kiến cấp gói hỗ trợ phát triển trị giá khoảng 2,84 tỷ USD. Thời gian qua, Tô-ki-ô phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) triển khai sáng kiến tăng cường hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân tại đây. Theo đó, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại lục địa này đã được tiếp cận các gói tài chính, trong đó có vốn vay ưu đãi dành cho các nhà thầu xây dựng, nhằm nâng chất lượng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây.

Giới chuyên gia nhận định, quản lý và ứng phó hiệu quả thiên tai là một trong những chính sách cấp thiết nhất hiện nay, giúp châu Phi "tự cứu mình", sớm thoát đói nghèo. Và đó được xem là tiền đề để lục địa này thực hiện thành công mục tiêu của AU về "ngừng hoàn toàn tiếng súng tại châu lục" vào năm 2020.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com