Tham vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Hy Lạp

08:08, 12/08/2019

Vừa nhậm chức sau chiến thắng thuyết phục của đảng Dân chủ mới trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Hy Lạp, tân Thủ tướng K.Mitsotakis đã lập tức triển khai những kế hoạch tham vọng nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của “xứ sở thần thoại”. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông dự kiến đối mặt nhiều thách thức.

Nhiều ngân hàng Hy Lạp đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao. Ảnh: CNN
Nhiều ngân hàng Hy Lạp đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao. Ảnh: CNN

Tân Thủ tướng Hy Lạp K.Mitsotakis đã đệ trình Quốc hội thông qua dự luật thuế mới, trong đó thực hiện cam kết cắt giảm thuế đầy tham vọng, chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp và các đối tượng có thu nhập thấp, nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Theo Thủ tướng K.Mitsotakis, bắt đầu vào năm 2020, ông sẽ giảm 30% thuế tài sản, được biết đến với tên gọi ENFIA, vốn được chính phủ tiền nhiệm đưa ra trong hai năm. Đồng thời đề nghị giảm thuế thu nhập và giảm dần 8% thuế doanh nghiệp. Thủ tướng K.Mitsotakis hy vọng, bằng việc thực hiện một chương trình cải cách toàn diện, ông có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thuyết phục các chủ nợ giảm mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP cho Hy Lạp.

Kế hoạch giảm thuế nêu trên được cho là có thể làm ảnh hưởng mục tiêu ngân sách thời gian tới của Hy Lạp. Trong cam kết với các chủ nợ châu Âu, để đổi lấy các gói cứu trợ tài chính, Chính phủ Hy Lạp đã nhất trí tiếp tục tăng thuế và giảm chi tiêu chính phủ nhằm đưa thặng dư ngân sách cơ bản cán mốc 3,5% GDP và duy trì mục tiêu này đến năm 2022. Do đó, kế hoạch giảm thuế của tân Thủ tướng Hy Lạp đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ các chủ nợ. Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurogroup) khẳng định sẽ không thay đổi các mục tiêu đã nhất trí với Athens. Chủ tịch Eurogroup M.Centeno hối thúc chính phủ mới của Hy Lạp tiếp tục thực thi các cam kết chi tiêu nghiêm ngặt đã nhất trí với Eurozone. Trong khi đó, ông C.K.Regling, người đứng đầu quỹ cứu trợ của Eurozone và là quan chức Liên hiệp châu Âu (EU) chịu trách nhiệm giám sát việc trả nợ của Hy Lạp nhấn mạnh, mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% GDP nêu trên là nền tảng của chương trình cứu trợ tài chính và nợ công của Hy Lạp khó có thể đạt được tính bền vững nếu không có mục tiêu này. Các nhà phân tích cho rằng, sự cương quyết của các chủ nợ trong việc yêu cầu Hy Lạp duy trì cam kết nâng thặng dư ngân sách lên 3,5% GDP đã đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông K.Mitsotakis.

Bên cạnh việc thuyết phục các chủ nợ giảm mục tiêu thặng dư ngân sách, tân Thủ tướng Hy Lạp cũng đối mặt nhiều trở ngại trong nước. Tháng 8-2018, sau nhiều năm thực hiện chính sách chi tiêu khắc khổ, Hy Lạp đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, từng đẩy nền kinh tế nước này tới bờ vực phá sản. Kinh tế Hy Lạp tăng trưởng 1,3% trong quý I năm 2019 và dự báo có thể tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về “sức khỏe” của nền kinh tế Hy Lạp. Để đối phó cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, từ năm 2010, Hy Lạp đã thực hiện hàng loạt biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy ba gói cứu trợ của quốc tế. Ngược lại, cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài nhiều năm qua đã khiến nền kinh tế Hy Lạp tổn thương nghiêm trọng và khó có thể phục hồi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Các ngân hàng Hy Lạp vẫn phải tìm cách giải quyết danh mục nợ xấu khổng lồ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và nợ công của nước này vẫn ở mức cao nhất trong Eurozone.

Thủ tướng K.Mitsotakis nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp đã bước đầu có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, thắng lợi áp đảo của đảng Dân chủ mới trong cuộc bầu cử trước thời hạn đã giúp phe bảo thủ nắm quyền kiểm soát đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội. Các chuyên gia nhận định, đây là những điều kiện thuận lợi để tân Thủ tướng Hy Lạp hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân./.

BẢO CHÂU
Theo nhandan.com.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com