Ngày 8-8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên tiếng kêu gọi Pakistan bãi bỏ quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với New Delhi. Theo hãng tin ANI, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh: “Chính phủ Ấn Độ lấy làm tiếc vì quyết định ngày 7-8 của Pakistan và kêu gọi Islamabad xem xét lại để duy trì các kênh hợp tác ngoại giao. Việc xóa bỏ Điều 370 chỉ là vấn đề nội bộ của Ấn Độ”.

Trước đó, ngày 7-8, Pakistan cho biết sẽ trục xuất Đại sứ Ấn Độ tại Islamabad, hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ. Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ.

Hạ viện Ấn Độ ngày 6-8 đã thông qua dự luật chia tách bang Jammu và Kashmir 2019 và chấp thuận sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp nước này, một ngày sau động thái tương tự ở Thượng viện. Dự luật tách Jammu và Kashmir 2019 sẽ được trình lên Tổng thống Ấn Độ ký ban hành, theo đó chia bang này thành hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh không có cơ quan lập pháp và Jammu và Kashmir có cơ quan lập pháp. Phát biểu tại Hạ viện liên quan đến dự luật và sắc lệnh trên, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khẳng định, Điều 370 cản trở Jammu và Kashmir hội nhập với Ấn Độ nên cần phải bãi bỏ. Ông Amit Shah lưu ý, hơn 41.000 người ở bang này đã thiệt mạng kể từ năm 1989 do Điều 370. Trước đó, ngày 5-8, New Delhi đã công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt về quyền tự trị đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành hai vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Đây được xem là quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này phản đối tuyên bố được Chính phủ Ấn Độ đưa ra liên quan tới khu vực Jammu và Kashmir. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan nêu rõ: "Khu vực Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát là một lãnh thổ tranh chấp được quốc tế công nhận. Không một bước đi đơn phương nào của Chính phủ Ấn Độ có thể thay đổi hiện trạng tranh chấp này, vốn được bảo vệ đặc biệt trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bước đi này cũng sẽ không được người dân ở Jammu và Kashmir chấp nhận". Bộ Ngoại giao Pakistan cũng nhấn mạnh, với tư cách là một bên trong tranh chấp quốc tế này, Pakistan sẽ áp dụng mọi phương án khả thi nhằm đối phó với những bước đi này của Ấn Độ.

Là vùng có đa số dân là người theo đạo Hồi sinh sống, khu vực Kashmir phân chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Song cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Đây cũng chính là nguyên nhân của những mâu thuẫn dai dẳng giữa hai nước. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir. 

Trong bối cảnh những căng thẳng dồn dập xảy ra, đẩy quan hệ Ấn Độ-Pakistan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy xung đột, gây đe dọa môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế. Mỹ tuyên bố ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng Kashmir tranh chấp, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế khi căng thẳng leo thang. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Chúng tôi tiếp tục ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan về Kashmir và các vấn đề liên quan khác". Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ quan ngại về tình hình tại khu vực tranh chấp Kashmir, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.

Theo qdnd.vn