EU gia hạn thêm 1 năm cấm vận đối với Iran

07:04, 10/04/2019

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 8-4, các Ngoại trưởng EU đã quyết định gia hạn thêm 1 năm lệnh cấm vận đối với Iran tới ngày 13-4-2020 do "những vi phạm nghiêm trọng của nước này về nhân quyền".

Giao dịch đổi đồng Rials của Iran và đồng đôla Mỹ tại một cửa hàng ngoại hối ở thủ đô Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch đổi đồng Rials của Iran và đồng đôla Mỹ tại một cửa hàng ngoại hối ở thủ đô Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lệnh cấm vận này được EU đưa ra từ năm 2011 nhằm nghiêm cấm mọi hoạt động xuất khẩu vào Iran “các trang thiết bị có thể được sử dụng vào mục đích trấn áp nội bộ” và các thiết bị giám sát viễn thông. Lệnh cấm cũng nhằm vào 82 nhân vật, đặc biệt là các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và một đơn vị cảnh sát Iran chuyên trách về tội phạm mạng. Tài sản của họ bị đóng băng và bản thân họ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ EU. Tháng 1-2016, EU đã dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính chống Iran sau khi Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7-2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.

Qatar kiện các nước Arab thao túng tiền tệ

Trong một tuyên bố ngày 8-4, Qatar cho biết đã đệ đơn kiện lên một tòa án ở London (Anh) chống lại ngân hàng Banque Havilland có trụ sở ở Luxemburg do vai trò của thể chế này trong việc vạch ra một kế hoạch nhằm "tấn công đồng nội tệ và các thị trường tài chính của Qatar". Ngoài ra, một đơn kiện khác cũng đã được gửi tới tòa án Thành phố New York (Mỹ) nhằm vào hai ngân hàng First Abu Dhabi Bank và Samba Bank với cáo buộc có liên quan tới hoạt động thao túng thị trường tài chính.

Các đơn kiện này được đưa ra dựa trên kết quả cuộc điều tra do Doha tiến hành về hoạt động thao túng thị trường. Hiện cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và Qatar vẫn đang cân nhắc có thêm hành động pháp lý trong thời gian tới. First Abu Dhabi Bank là ngân hàng lớn nhất ở UAE, trong khi Samba Bank là một trong những ngân hàng hàng đầu ở Saudi Arabia. Cả UAE và Saudi Arabia, cùng với Bahrain và Ai Cập, đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6-2017 với cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị. Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này. Doha luôn bác bỏ những cáo buộc nói trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả. 

Chính phủ Qatar thông báo nước này đã kiện 4 nước trên ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế (ICAO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với cáo buộc các nước này gây bất ổn đồng nội tệ và thị trường tài chính của Qatar nhằm suy yếu lòng tin đối với nền kinh tế Qatar./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com