Làm thế nào để duy trì Hiệp ước INF?

08:11, 08/11/2018

Chỉ còn chưa đầy một tuần trước khi đến thời điểm Paris kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (11-11-1918/2018), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không chắc chắn về việc có gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại đó hay không. Theo ông, các cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra vào cuối tháng 11 này tại Buenos Aires (Argentina), bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20.

Lễ ký kết Hiệp ước INF giữa Tổng thống Mỹ R. Reagan và Tổng thống Liên bang Xô-viết Mikhail Gorbachov năm 1987. (Nguồn: Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Nga)
Lễ ký kết Hiệp ước INF giữa Tổng thống Mỹ R. Reagan và Tổng thống Liên bang Xô-viết Mikhail Gorbachov năm 1987. (Nguồn: Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Nga)

Trước đó, trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cũng tiết lộ kịch bản về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã được “cụ thể hóa” và sẽ diễn ra tại thủ đô của Argentina. Tuy nhiên, giới chức Moscow trù tính cuộc tiếp xúc này có thể được đẩy sớm hơn, trong khuôn khổ các sự kiện tại Paris cuối tuần này, liên quan việc không thể tiếp tục trì hoãn thảo luận những vấn đề cấp bách như ổn định chiến lược và nghiêm trọng hơn là ý định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Trên thực tế, Moscow hiểu rõ cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ diễn ra vào thời điểm nào, hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cuối cùng của Washington, và quyết định này còn phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, trong điều kiện phức tạp hiện nay, Nga không mất hy vọng về một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ, sau khi nước này kết thúc chiến dịch bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov bày tỏ hy vọng các nhà hoạch định ổn định chiến lược ở Washington có thể đánh giá tình hình một cách trách nhiệm hơn và không bị công kích bởi các vấn đề chính trị trong nước, điều đó ít nhiều có thể cho phép quan hệ Nga - Mỹ “tiến bước”.

Hôm 26-10, Ủy ban phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị (Ủy ban thứ nhất), thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), đã từ chối xem xét dự thảo nghị quyết của Nga trình lên trước đó một ngày, trong đó yêu cầu ĐHĐ LHQ hối thúc cả Moscow và Washington nỗ lực củng cố INF, tăng cường hiệu lực của hiệp ước, để INF trở thành “hòn đá tảng” trong việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu. Nga lấy làm thất vọng khi “những người chơi chính” như Mỹ, Anh, Canada, Ukraine cùng 50 nước khác đã bỏ phiếu phản đối dự thảo, trong khi chỉ có 31 nước ủng hộ và 54 nước bỏ phiếu trắng.

Theo quan điểm của Nga, mặc dù bỏ phiếu phản đối hay ủng hộ, thì có lẽ tất cả đều phải nhận thức một thực tế rằng, cho dù không hoàn hảo, song nếu huỷ bỏ INF, điều đó đồng nghĩa việc làm suy yếu hệ thống kiểm soát vũ khí hiện tại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nền tảng an ninh, trước hết là tại khu vực châu Âu. Chưa kể việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, tất yếu dẫn tới những biện pháp trả đũa từ LB Nga, nhằm lấy lại thế cân bằng chính trị quân sự. Viễn cảnh đó, theo nhận định ngày 6-11 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trước hết sẽ đẩy nền an ninh và các quốc gia châu Âu trở thành “nạn nhân chính”.

Khác với Mỹ, Đức và hầu hết các đồng minh châu Âu ngay lập tức đã lên tiếng ủng hộ duy trì Hiệp ước INF, “nền tảng duy trì an ninh toàn cầu”. Đúng như nhận định của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, khi liệt kê các luận điểm quan trọng của INF, trong đó trước hết cần duy trì trao đổi dữ liệu giữa Mỹ, châu Âu và Nga; giám sát toàn diện thông tin về tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình; cũng như gây áp lực đối với những quốc gia đang nỗ lực sở hữu tên lửa tầm trung. Ngoại trưởng Maas cũng nêu rõ, cần “đạt tới sự minh bạch hơn” trong việc kiểm soát vũ khí.

Moscow cho rằng cần phải làm sao để Hiệp ước INF trở thành một thoả thuận đa phương. Cùng với Nga và Mỹ, Trung Quốc và các nước NATO, trước hết là Pháp và Anh cũng cần xem xét tham gia thoả thuận này. Đây cũng là quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và ngay cả khi Mỹ tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước INF, thì vẫn còn đó một chân lý, đơn giản là không thể bỏ qua vấn đề gia hạn Hiệp ước về cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3).

Đúng như tờ tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) của Mỹ, START-3 là công cụ mới nhất để hạn chế sự tăng trưởng số lượng hệ thống hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ. Khả năng dự đoán và minh bạch mà START-3 có thể đem lại là những yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định chiến lược, hoặc chí ít là “hơi hướng” còn lại của ổn định chiến lược trong mối quan hệ giữa hai cường quốc Nga - Mỹ, vốn đang bị đẩy xuống mức thấp nhất. Nếu START-3 không được kéo dài, hẳn đây sẽ là cú đánh cuối cùng vào nỗ lực ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân toàn diện.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com