Anh lên kế hoạch B khi rời EU không có thỏa thuận

08:09, 12/09/2018

Anh sẽ chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 29-3-2019, nhưng tới nay vẫn chưa có thỏa thuận nào chắc chắn để giúp xác định mối quan hệ tương lai giữa quốc gia này với EU, cũng như đối phó với những tác động về mặt kinh tế sau khi Anh chấm dứt tư cách thành viên của khối thương mại lớn nhất toàn cầu sau hơn 40 năm gắn kết.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Cả Anh và EU đều muốn đạt được một thỏa thuận “ly hôn” vào ngày 18-10 tại Hội đồng châu Âu (EC) nhưng nhiều nhà ngoại giao cho rằng hạn chót này quá lạc quan. Vì hiện hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm về thỏa thuận Brexit khi chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề quan trọng như đường biên giới Ai-len cũng như một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh - EU.

Cảnh báo về hậu quả của Brexit không có thỏa thuận, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit, ông Mai-cơn Ban-nơ, trong cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung của Đức hôm 2-9 cho rằng, nhiều Cty sẽ bị gián đoạn dây chuyền cung ứng nếu Anh rời EU mà không tiếp tục có được sự tiếp cận thị trường chung của khối này hoặc một liên minh thuế quan.

Ông Mai-cơn Ban-nơ nói: “Nếu Chính phủ Anh quyết định ủng hộ một liên minh thuế quan với chúng ta, vốn vẫn khả thi, thì mọi điều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều... Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cũng khuyến nghị nền công nghiệp cần phải khiến dây chuyền cung ứng của họ không bị Brexit tác động”.

Ngày 6-9, báo The Guardian dẫn lời cựu Đại sứ Anh tại EU từ năm 2013-2017 I-van Rô-gơ cảnh báo rằng các nhà đàm phán của cả hai bên có nguy cơ “mộng du bước vào một cuộc khủng hoảng lớn” mà có thể tác động xấu các mối quan hệ trong thế hệ tới.

Theo ông I-van Rô-gơ, lý do không phải vì các bên đàm phán chủ động tìm kiếm điều này, mà chính xác là bởi mỗi bên hiểu sai những động cơ thực sự và sự miễn cưỡng chính trị của bên kia, từ đó không thể tìm ra bất kỳ điểm chung nào cho một thỏa thuận.

Để đối phó với tình trạng rời EU mà không có thỏa thuận nào đạt được giữa hai bên, cảnh sát Anh đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó với tình trạng bất ổn có thể xảy ra.

Báo Sunday Times số ra ngày 9-9 dẫn một tài liệu chính phủ bị rò rỉ, nêu rõ mối lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, có thể gây ra tình trạng rối loạn trong dân chúng và hoàn toàn có thể dẫn tới bất ổn trên diện rộng.

Tài liệu trên được cho là của Trung tâm điều phối an ninh quốc gia, đơn vị có trách nhiệm phối hợp triển khai các lực lượng an ninh trong những sự kiện lớn hoặc khi đất nước rơi vào khủng hoảng.

Cũng theo tài liệu này, tình trạng hỗn loạn, bất ổn có thể diễn ra trong vòng 3 tháng trước và sau ngày 29-3-2019, thời điểm Anh chính thức bước ra khỏi “ngôi nhà chung” EU.

Trả lời phỏng vấn trên BBC, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sai Gia-vít khẳng định ông hài lòng khi lực lượng cảnh sát và các chuyên gia đã bắt đầu xem xét và suy tính trước những điều sẽ diễn ra nếu Anh và EU không thể ký kết thỏa thuận cuối cùng.

Ông Gia-vít cũng cho biết dù không mong đợi kịch bản này xảy ra, nhưng chính phủ cần phải chuẩn bị cho mọi hoàn cảnh.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò mới công bố ngày 5-9, quan điểm của người Anh về Brexit cho đến nay vẫn còn những chia rẽ sâu sắc, trong đó quan điểm ủng hộ duy trì tư cách thành viên có phần tăng dù không ít quan ngại về kết quả đàm phán.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất do 2 tổ chức NetCen và The UK in a Changing Europe tiến hành, 59% người dân ủng hộ ở lại EU trong khi 41% vẫn muốn đưa Anh rời “ngôi nhà chung”. Đây là mức ủng hộ ở lại cao nhất được ghi nhận trong số 5 khảo sát liên tiếp được thực hiện từ sau cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit hồi năm 2016 khi tỷ lệ ủng hộ chỉ là 48%.

Kết quả khảo sát này cũng chỉ ra rằng người dân Anh tỏ ra bi quan về các cuộc đàm phán hiện tại và tác động về kinh tế là yếu tố có tầm ảnh hưởng nhất tới khả năng liệu người dân có ủng hộ thỏa thuận cuối cùng hay không.

Chuyên gia khảo sát ý kiến Giôn Cu-ti cho rằng, dựa vào kết quả này thì tỷ lệ ủng hộ Anh ở lại EU có thể lên đến 54% nếu một cuộc trưng cầu ý dân khác được thực hiện.

Tuy nhiên, khả năng tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân đã bị Chính phủ Anh nhiều lần lên tiếng bác bỏ./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com