Leo thang đối đầu

07:08, 08/08/2018

Vào lúc 4 giờ 1 phút GMT (tức 11 giờ 1 phút Việt Nam) ngày 7-8, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với I-ran, ba tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Ð.Trăm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran lịch sử. Quyết định sử dụng trở lại "cây gậy trừng phạt" của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo gây lo ngại tác động tiêu cực thị trường dầu mỏ, đẩy Mỹ và I-ran ngày càng lún sâu vào thế đối đầu nguy hiểm, là mối đe dọa đối với an ninh khu vực. Cộng đồng quốc tế tiếp tục các nỗ lực níu giữ thỏa thuận hạt nhân đang bên bờ vực.

Nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp đặt trở lại nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng, kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của I-ran. Ðây là bước mở đầu trong chính sách "gây sức ép tối đa về kinh tế" của Mỹ đối với Tê-hê-ran. Các biện pháp này cũng là sự cụ thể hóa quan điểm của Tổng thống Ð.Trăm, người luôn coi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà I-ran đã ký với nhóm P5+1 (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Ðức) hồi năm 2015 là thỏa thuận "tồi và một phía". Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo đã lên tiếng khẳng định sự cứng rắn của Mỹ trong chính sách đối với I-ran, khi ông nhấn mạnh các lệnh trừng phạt sẽ được thực thi nghiêm ngặt cho đến khi Chính phủ I-ran có những thay đổi mà Oa-sinh-tơn coi là triệt để.

Những cảnh báo từ phía Mỹ dường như khó có thể làm thay đổi lập trường từ phía I-ran. Quốc gia Hồi giáo luôn khẳng định quan điểm không đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới như yêu cầu của Mỹ. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA bị I-ran coi là hành động gây mất lòng tin, vốn khó khăn lắm mới xây dựng được dưới thời cựu Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma giữa hai quốc gia có lịch sử đối đầu. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni khẳng định, nước này sẽ khiến Mỹ phải "hối tiếc" vì đã tái áp đặt trừng phạt đối với Tê-hê-ran. I-ran cũng đã lên mọi "kịch bản" để đối phó các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cộng đồng quốc tế lo ngại về sự "ăn miếng trả miếng" giữa I-ran và Mỹ sẽ khiến leo thang căng thẳng ở khu vực. I-ran nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hoóc-mút, tuyến đường biển nhộn nhịp và quan trọng vận chuyển dầu mỏ từ khu vực Trung Ðông ra các thị trường thế giới. Hoạt động xuất khẩu dầu của I-ran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi đầu tháng 11 tới, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng trung ương I-ran. Là quốc gia đứng thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), I-ran đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cân bằng thị trường dầu mỏ, vì vậy nếu xảy ra tình huống nguồn cung dầu mỏ từ I-ran giảm mạnh điều này sẽ tác động không nhỏ tới thị trường "vàng đen".

Các lệnh trừng phạt của Mỹ tác động trực tiếp lợi ích của nhiều công ty châu Âu vốn bắt đầu hoạt động hiệu quả tại I-ran. Các nước châu Âu đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran, bởi thỏa thuận này không chỉ được châu Âu coi là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, mà còn giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế mà các công ty của châu Âu đang được hưởng lợi từ JCPOA. Liên hiệp châu Âu (EU) khẳng định, khối này sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống I-ran. Chính phủ các nước thành viên EU cũng tính tới khả năng sử dụng các biện pháp đáp trả "hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe" trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại. "Quy chế phong tỏa" của châu Âu có hiệu lực cùng thời điểm Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt chống I-ran. Cơ chế này sẽ giúp ngăn các công ty châu Âu tuân theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Quy chế cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ, giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra. Các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn tiếp tục những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử, coi đây là một biện pháp cốt yếu nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của I-ran.

I-ran đang chứng tỏ khả năng nối lại các hoạt động làm giàu u-ra-ni sau khi Ðại giáo chủ A.Kha-mê-ni ra lệnh cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) khởi động các bước chuẩn bị tăng cường năng lực làm giàu u-ra-ni, nếu châu Âu thất bại trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận. Tê-hê-ran gần đây cũng phô diễn sức mạnh quân sự thông qua các chương trình tên lửa nhằm gửi thông điệp rõ ràng cảnh báo tới Mỹ rằng, đừng "đùa với lửa". Lo ngại những diễn biến mới làm leo thang đối đầu giữa Mỹ và I-ran, Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ các nước ủng hộ JCPOA, coi thỏa thuận này là nhân tố quan trọng quyết định hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Ðông vốn đã có quá nhiều "điểm nóng".

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com