Ngừng tập trận với Hàn Quốc, Mỹ có mất quân bài cuối cùng?

08:06, 22/06/2018

Từ trước tới nay, các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn luôn là “cái gai” trong mắt Triều Tiên. Thế nhưng, “cái gai” này đã được Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm ngày 19-6 đột ngột rút ra khi tuyên bố ngừng cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.

d
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một tập trận bắn đạn thật năm 2017.
Ảnh: AFP

Thông báo ngừng tập trận chung ngày 19-6 không gây ngạc nhiên vì trước đó, trong họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6 tại Xinh-ga-po, Tổng thống Trăm đã nói tới ý định này. Tổng thống Trăm cũng không quên cảnh báo các cuộc tập trận có thể được nối lại ngay lập tức nếu đàm phán đổ vỡ. 

Lần duy nhất mà cuộc tập trận chung bị ngừng là vào năm 1992 để thử thuyết phục Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân.

Trong hàng chục năm qua, Triều Tiên luôn coi tập trận chung Mỹ - Hàn là khiêu khích, là tập dượt chiến tranh chống mình. Nước này đã kêu gọi ngừng tập trận Mỹ - Hàn từ rất lâu mà không được đáp ứng.

Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là một công cụ răn đe cứng rắn với Triều Tiên và là biểu tượng liên minh mạnh mẽ Mỹ - Hàn. Cuộc tập trận chung được cho là sẽ sử dụng làm quân bài cuối cùng trong quá trình đàm phán với Triều Tiên. 

Theo bình luận của báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, trong bối cảnh đó, tập trận chung giữa hai nước bị ngừng trong bối cảnh Triều Tiên chưa có dấu hiệu rõ ràng phi hạt nhân hóa là có phần vội vàng, nhất là khi Mỹ không tham vấn Hàn Quốc.

Cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Mai-cơn Hây-đen và Thượng nghị sĩ Mỹ Chắc Schu-mơ cho rằng Triều Tiên đã không mất gì mà lại đạt được điều mà quốc gia này mong muốn từ hàng chục năm nay.

Mỹ lợi cả đôi đường

Tuy nhiên, theo góc nhìn của một Thiếu tá lục quân Mỹ về hưu, ông Tớt Pi-e-xơ, Mỹ sẽ không mất lợi thế và ảnh hưởng chiến lược bởi quyết định chấm dứt tập trận chung Mỹ - Hàn.

Phát biểu với tờ Sputnik, ông Tớt Pi-e-xơ nhận định các giọng điệu phản đối quyết định của Tổng thống Trăm đều là sai lệch và có thể gây phương hại cho đàm phán phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa mới hình thành giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông nhận xét: “Đó là giọng điệu không thành thật và không mang lại lợi ích gì”.

Theo quan sát của ông Pi-e-xơ, chính trị gia và nghị sĩ ở Mỹ quen với việc áp dụng tiêu chuẩn kép khi nói về các cuộc tập trận. Nếu là Mỹ tập trận, họ cho rằng đó là cuộc tập trận nằm trong kế hoạch và không ảnh hưởng tới ai. Nhưng nếu là Nga tập trận trên lãnh thổ của mình chẳng hạn, họ cho rằng là Nga “khiêu khích”.

Tiêu chuẩn kép đó đối với các động thái khiêu khích và tập trận quân sự rất nổi bật trong chính sách của Mỹ ở Bán đảo Triều Tiên trong nhiều chục năm qua và đặc biệt là nhằm vào Triều Tiên.

Ông Pi-e-xơ nói: “Tập trận Mỹ ở Hàn Quốc có thể được thiết kế để lường trước các hoạt động tấn công mà Triều Tiên có thể thực hiện như trong năm 1950. Tuy nhiên, giờ Triều Tiên không còn khả năng thực hiện điều đó chống quân đội Mỹ và Hàn Quốc vốn lớn mạnh như hiện nay”.

Do đó, quyết định của Tổng thống Trăm sẽ không chỉ tạo điều kiện cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà còn có lợi cho chính Mỹ vì giảm áp lực chi tiêu quân sự. Theo ông Pi-e-xơ, hủy tập trận chung không làm Mỹ mất lợi thế chiến lược mà lại còn tiết kiệm tiền.

Động thái của Tổng thống Trăm cũng quan trọng trong thể hiện sự chân thành của ông trong theo đuổi thỏa thuận phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Ông Pi-e-xơ nói: “Đó là một dấu hiệu cần thiết để tỏ thiện chí xóa bỏ căng thẳng” và cho rằng hiện diện quân sự Mỹ ở Hàn Quốc đã kéo dài quá lâu rồi và lẽ ra nên chấm dứt vài chục năm trước đây. Bình luận trên Sputnik, ông Pi-e-xơ nói: “Đã đến lúc Mỹ đưa quân ra khỏi Bán đảo Triều Tiên và hãy để người dân Bán đảo tự giải quyết vấn đề của mình”.

Mục đích thật sự của Tổng thống Trăm

Trên Tân Hoa xã, ông Đa-ren Oét, thành viên cấp cao Viện Brúc-kinh, cho rằng hủy tập trận Mỹ - Hàn cho thấy Mỹ tham gia xây dựng lòng tin với Triều Tiên. Ông nói: “Nếu Mỹ có những biện pháp trấn an Triều Tiên về an ninh bằng cách ngừng tập trận, Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. Bên này càng tin tưởng bên kia thì càng có khả năng giải quyết thù địch thành công”.

Theo ông Tơ-roa Stan-ga-rô, giám đốc cấp cao thuộc Viện Kinh tế Hàn Quốc (KEI), về ngắn hạn, quyết định của ông Trăm sẽ có ít ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực, nhưng nếu không có tiến triển trong phi hạt nhân hóa tới thời điểm của cuộc tập trận mùa xuân năm tới, quyết định này có thể bắt đầu có tác động lớn hơn. Lúc đó, Mỹ có thể sử dụng lại lá bài này để ra điều kiện với Triều Tiên. Còn hiện tại, với quyết định ngừng tập trận chung, Tổng thống Trăm đang trao cho ông Kim Dâng-un không gian chính trị để phi hạt nhân hóa.

Trong họp báo ở Xinh-ga-po ngày 12-6 vừa rồi, Tổng thống Trăm còn nhắc tới khả năng Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Ông Trăm nói rằng ông hy vọng việc rút 30 nghìn binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ xảy ra dù đó không phải là tình thế hiện nay.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng tuyên bố này của ông Trăm mang tính chiến lược nhằm gây áp lực lên Hàn Quốc về vấn đề chia sẻ gánh nặng chi phí cũng như thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Trong khi đó, các chuyên gia Hàn Quốc lại cho rằng đây là mục đích của Mỹ chứ không phải là việc Mỹ nhượng bộ với Triều Tiên. Ông Nam Sung-uốc, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc, cho rằng bình luận của Tổng thống Trăm cho thấy ông coi việc ngừng tập trận và khả năng sẽ rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc là một mục tiêu cần đạt được.

Chuyên gia này nhận xét: “Ngày càng trở nên rõ ràng là an ninh mà liên minh Mỹ - Hàn mang lại đã đạt mức giới hạn”.

Còn theo ông Ken-si Đa-ven-pót, Giám đốc phụ trách chính sách không phổ biến hạt nhân thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận định: “Phép thử thực sự cho thành công nằm ở những điều diễn ra sau đó. Đó sẽ là các bước cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa để quyết định xem Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là thành công hay thất bại”./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com