Ba hậu quả khi Tổng thống Trăm rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran

08:05, 11/05/2018

Theo Trang mạng RollingStone.com, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã bị chỉ trích vì không có chút thống nhất nào trong quá trình ra quyết định của mình. Song trong quãng thời gian 15 tháng tại nhiệm, ông đã luôn nỗ lực để đạt được một mục tiêu: “đốt cháy” di sản của người tiền nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma. 

Động thái mới nhất nhằm “thiêu rụi” những thành tựu của người tiền nhiệm nhắm vào thỏa thuận hạt nhân I-ran, khi ông Trăm tuyên bố rút khỏi thỏa thuận. Việc này diễn ra sau khi giới chuyên gia, quan chức chính phủ và cộng đồng quốc tế phải mất hàng tháng trời để thực hiện chiến dịch nhằm duy trì thỏa thuận mà ông Trăm gọi là “một trong những thứ tồi tệ nhất”.

Mặc dù chiều 8-5, khi tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà Trăm gọi là “ung nhọt và thối rữa”, ông vẫn nói rằng sẽ sẵn sàng đàm phán nếu I-ran quyết định thảo luận những điều khoản mới. Đồng thời, Tổng thống Trăm cũng nói rằng ông sẽ ngăn chặn I-ran phát triển vũ khí hạt nhân, và rằng nếu Tê-hê-ran nối lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân thì “nước này sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn chưa từng gặp trước đây”.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã có động thái mới nhất nhằm "thiêu rụi" những thành tựu của người tiền nhiệm Ô-ba-ma khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran. Nguồn: Bangkok Post
Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã có động thái mới nhất nhằm "thiêu rụi" những thành tựu của người tiền nhiệm Ô-ba-ma khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran. Nguồn: Bangkok Post

Giới phân tích lập tức chỉ ra ba hậu quả to lớn sau quyết định của Trăm:

I-ran sẽ có thể tiếp tục phát triển bom hạt nhân

Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 10-2015, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã giám sát chặt chẽ I-ran về việc thực thi cam kết ngừng chương trình vũ khí hạt nhân của mình. IAEA cũng đã đưa ra mức độ đánh giá chưa từng có tiền lệ về sự minh bạch trong năng lực hạt nhân của I-ran, một sự đảm bảo rất có giá trị với quốc gia này.

Theo giới phân tích, khi sự đảm bảo này bị gỡ bỏ cùng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, I-ran sẽ có thể nối lại chương trình vũ khí hạt nhân. Mỹ sẽ không có cách nào để giám sát xem Tê-hê-ran có đang phát triển vũ khí hạt nhân hay không. Ngoài ra, việc Tê-hê-ran phát triển bom hạt nhân cũng sẽ khiến vài quốc gia Trung Đông khác làm điều tương tự.

Trên bài bình luận gần đây đăng trên tờ New York Times, Ngoại trưởng Anh Bô-rít Giôn-sơn viết: “Điều gì đạt được từ thỏa thuận hạt nhân này? Hãy hình dung những cuộc nội chiến, xung đột giết hại lẫn nhau vốn tàn phá toàn Trung Đông như hiện nay, đều được các bên kiềm chế. Rồi sau đó (Mỹ) lại gây sức ép đối với thỏa thuận và làm gia tăng khả năng xảy ra cuộc đua vũ khí hạt nhân trong khu vực do I-ran vội vàng chế tạo bom hạt nhân. Đó là viễn cảnh xấu mà thỏa thuận này đã từng giúp ngăn chặn”.

Rạn nứt quan hệ đồng minh Mỹ - phương Tây

Mặc dù Tổng thống Trăm rút Mỹ khỏi thỏa thuận, các đồng minh ở châu Âu cam kết duy trì văn kiện mang tính quốc tế này. Khi đó, việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt có thể gây ra căng thẳng giữa Mỹ và những đồng minh mà Oa-sinh-tơn phụ thuộc nhiều nhất. 

Ngoài ra, quyết định của ông Trăm có thể gây ra rạn nứt trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nga, vốn là những nước mong muốn Mỹ “ở lại” với thỏa thuận đồng thời cảnh báo tình trạng bất ổn địa chính trị sẽ xảy ra nếu thỏa thuận bị hủy bỏ. 

Chưa hết, cũng giống như khi Trăm rút Mỹ khỏi Hiệp định Pa-ri chống biến đổi khí hậu, việc hủy thỏa thuận I-ran sẽ là một “cú tát mạnh tay” vào vị thế của ông với tư cách là lãnh đạo của một quốc gia tầm cỡ.

Cản trở một thỏa thuận với Triều Tiên

Việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào I-ran sẽ là sự đảo chiều chính sách quan trọng nhất của Trăm từ trước đến nay. Trong khi đó, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Dâng-un đang đến gần. Việc ông Trăm rút Mỹ khỏi thỏa thuận mà I-ran đang tuân thủ xét ở mọi góc độ có thể khiến Bình Nhưỡng lo ngại khi tham gia một thỏa thuận tương tự với Oa-sinh-tơn.

Trong cuốn sách đồng tác giả với Tô-ni Sơ-oát mang tên “The Art of the Deal,” Tổng thống Trăm đã dùng những ngôn từ khó nghe để chỉ trích thỏa thuận hạt nhân I-ran. Nếu Trăm muốn dàn xếp một thỏa thuận giúp phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, ông sẽ phải tìm ra một điều gì đó vừa khiến Triều Tiên chấp nhận được, vừa mang lại lợi ích lớn hơn cho Mỹ so với thỏa thuận hạt nhân I-ran. Thế nhưng, điều này dường như nằm “ngoài tầm với,” chí ít có thể nói như vậy./.

Theo Vietnamplus



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com