Từ Sơ-ca-ri-pan tới Xi-ri, Mỹ chơi quân bài hóa học chống Nga

08:04, 13/04/2018

Vụ việc cựu điệp viên Nga bị hạ độc và vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Xi-ri cho thấy các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang dùng quân bài hóa học để chống Nga.

Quân bài hóa học

Theo ông Sô-ma Sa-lê, nhà phân tích Xi-ri thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách sử dụng lá bài vũ khí hóa học ở Xi-ri để tạo lợi thế cho mình qua hai sự kiện nói trên.

Phát biểu với đài Sputnik tiếng A-rập, ông Sa-lê cho rằng Mỹ đang tìm cách gây chia rẽ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi nối lại cuộc thảo luận về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Khan Say-khun, Xi-ri. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tìm cách “vũ khí hóa” vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Xéc-gây Sơ-ca-ri-pan ở Anh.

Ngày 4-4-2017, ít nhất 90 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nghi có sử dụng chất độc thần kinh ở Thị trấn Khan Say-khun thuộc tỉnh Íp-líp do phe đối lập Xi-ri chiếm đóng. Các nhân chứng cho rằng vụ tấn công hoặc là do Nga hoặc là do các máy bay Sukhoi của Xi-ri thực hiện. 

Thành viên cơ quan khẩn cấp ở Anh kiểm tra chiếc ghế nơi ông Sơ-ca-ri-pan và con gái bất tỉnh.  Ảnh: AFP
Thành viên cơ quan khẩn cấp ở Anh kiểm tra chiếc ghế nơi ông Sơ-ca-ri-pan và con gái bất tỉnh. Ảnh: AFP

Cả Nga và Xi-ri đều bác bỏ cáo buộc này. Ngày 6-4-2017, để trả đũa vụ tấn công ở Khan Say-khun, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã ra lệnh tấn công trực tiếp căn cứ quân sự Say-rát - nơi được cho là vị trí các máy bay Xi-ri xuất kích để thực hiện vụ tấn công ở Khan Say-khun.

Một năm sau, ngày 7-4-2018, các nhà hoạt động Xi-ri, nhân viên cứu hộ và y tế cho rằng có một vụ tấn công bằng chất độc hóa học xảy ra ở Thị trấn Đu-ma gần Thủ đô Đa-mát của Xi-ri, giết chết ít nhất 40 người. Các nước phương Tây tiếp tục cáo buộc Xi-ri là thủ phạm vụ tấn công. Chính phủ Xi-ri và Nga bác bỏ cáo buộc, nói rằng bằng chứng về vụ tấn công đã bị dàn dựng. Ông Trăm cho biết quyết định Mỹ sẽ phản ứng ra sao với vụ tấn công ở Đu-ma. Chưa rõ liệu ông Trăm sẽ đưa ra giải pháp nào nhưng một vụ tấn công kiểu năm 2017 có thể là một khả năng.

Trước cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết yêu cầu có một cuộc điều tra đặc biệt ở Xi-ri sau vụ Đu-ma, cả Anh, Pháp và Mỹ đều kiên quyết cho rằng Nga cần phải ủng hộ dự thảo này. Tuy nhiên, thực tế tại cuộc họp cho thấy, Nga đã phủ quyết dự thảo.

Theo nhà phân tích Sa-lê, cũng giống như vụ ở Khan Say-khun năm 2017, vụ ở Đu-ma năm nay cũng được đưa ra thảo luận để buộc Nga phải có hành động đáp trả với Chính phủ Xi-ri.

Ngày 4-4-2018, Nhà Trắng phát tuyên bố về vụ Khan Say-khun, đổ lỗi cho chính phủ của Tổng thống Xi-ri Ba-sa An Át-xát là thủ phạm vụ tấn công bằng sarin. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi hi vọng các bên liên quan thực hiện lời hứa năm 2013 và đảm bảo chính quyền của ông Át-xát ngừng sử dụng vũ khí hóa học chống người dân Xi-ri”.

Tuy nhiên, 1 năm đã trôi qua từ sự kiện ở Khan Say-khun, tới nay chưa có bằng chứng nào được đưa ra để khẳng định cáo buộc. Vậy nhưng ngay từ thời điểm xảy ra vụ việc, Mỹ đã vội nã tên lửa Tô-ma-hốc vào Xi-ri mà chưa thực hiện cuộc điều tra nào.

Sau khi Nga phủ quyết dự thảo, tức là từ chối tham gia cuộc điều tra ở Đu-ma theo đề xuất của phương Tây, ông Sa-lê cho rằng Nga sẽ bị tấn công trên mặt trận thông tin. Dư luận phương Tây sẽ nghi rằng Nga có liên quan thế nào đó tới vụ ở Đu-ma.

Không chỉ dùng lá bài vũ khí hóa học để công kích Nga liên quan tới Xi-ri, phương Tây còn tận dụng triệt để vụ đầu độc ông Sơ-ca-ri-pan ngày 4-3 vừa qua. Khi cựu điệp viên Nga từng bị kết án tù 13 năm vì tội phản quốc này bất tỉnh ở Sa-li-bu-ri, cùng con gái 33 tuổi, Anh đã nhanh chóng quy kết Nga là thủ phạm trong khi cuộc điều tra vẫn chưa có kết luận, đồng thời trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga. Từ đó, làn sóng trục xuất nhà ngoại giao Nga lan sang vài chục quốc gia phương Tây, trong đó Mỹ trục xuất nhiều người Nga nhất: 60 người.

Trong bối cảnh đó, ông Sa-lê cho rằng phương Tây có thể sẽ kết hợp cả hai vụ ở Đu-ma và Sa-li-bu-ri để tăng cường sức ép với Nga.

Cùng lúc, lại có một cuộc điều tra mới có thể đưa ra kết luận là Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ với phiến quân ở Íp-líp, Xi-ri. Rất có thể vụ ở Khan Say-khun sẽ được quy kết theo hướng là Nga tấn công lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Xi-ri nhằm phủ bóng đen lên quan hệ chiến lược giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyên gia Sa-lê kết luận cuộc điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Xi-ri không thể rách rời vụ hạ độc ông Sơ-ca-ri-pan. Kiểm tra chất hóa học ở Luân Đôn cho thấy không thể phát hiện ra chính xác chất độc A-232 được sản xuất tại đâu. Tuy nhiên, rõ ràng là nhiều nước ở phương Tây muốn đổ ngay lỗi cho Nga. Giờ đến lượt Xi-ri. Người ta đều biết mọi kho vũ khí hóa học ở Xi-ri đều đã bị phá hủy. Vậy các chất hóa học này ở đâu ra? Theo kế hoạch của Anh, họ lại muốn đổ lỗi cho Nga.

Tại sao Mỹ muốn gia tăng căng thẳng ở Xi-ri?

Với câu hỏi này, nhà phân tích chiến lược - quân sự Xi-ri Ha-san Ha-san nhận định với Sputnik rằng Mỹ nỗ lực tung quân bài vũ khí hóa học để thay đổi hiện trạng trong khu vực Trung Đông và cáo buộc Nga thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Ha-san nêu ra ba lý do: Thứ nhất, để thể hiện rằng chiến thắng khủng bố sẽ không phải là điều dễ dàng. Thứ hai, họ muốn ngăn chặn ổn định tình hình. Thứ ba, họ tìm cách cho thế giới thấy mọi tổ chức quốc tế đều do Mỹ kiểm soát. Ngoại lệ duy nhất là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vì Nga và Trung Quốc là hai ủy viên thường trực có thể phủ quyết.

Theo ông Ha-san, tổ chức Giám sát Nhân quyền cũng đang hành động theo chiến lược của Mỹ. Nhà phân tích này chỉ rõ: “Mọi nỗ lực đang được thực hiện để đảm bảo dư luận ở các nước NATO và Mỹ không biết điều gì đang thực sự diễn ra ở vùng xung đột”.

Tổ chức While Helmets là một ví dụ mà ông Ha-san trích dẫn. Ông này cho rằng không thể hi vọng gì vào nhóm cứu hộ hoạt động ở Xi-ri này khi mà nó do một nhân viên tình báo Anh lập nên. 

Trong khi White Helmets nói rằng có vụ tấn công hóa học ở Đu-ma thì các nhân viên y tế ở Đu-ma lại không tiếp nhận bệnh nhân nào có dấu hiệu bị ngộ độc chất hóa học. Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Xi-ri ngày 9-4 cũng khẳng định với Sputnik là không có trường hợp nào bị tấn công bằng vũ khí hóa học trong hai ngày qua.

Dù vậy, ông Ha-san cho rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ không thể sử dụng quân bài vũ khí hóa học để làm lợi cho mình khi mà Nga và Trung Quốc có thể phủ quyết. Do đó, phương Tây không còn lại gì ngoại trừ những đe dọa và leo thang tình hình trên chiến trường./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com