Trung Quốc tuyên bố không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ

09:03, 12/03/2018

Ngày 11-3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn khẳng định, nước này không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ và sẽ không khơi mào một cuộc chiến như vậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giải quyết bất cứ thách thức liên quan nào, đồng thời sẽ bảo vệ các lợi ích của đất nước và người dân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thăm Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Mỹ Donald Trump ở thăm Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu họp báo bên lề kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII, ông Chung Sơn cho rằng trong chiến tranh thương mại không có người chiến thắng, chỉ có những kết cục tồi tệ đối với hai bên và cả thế giới. Ngoài ra, ông cũng lưu ý các phương thức thống kê khác nhau đã làm tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái thêm khoảng 20%. 

Số liệu chính thức cho thấy năm ngoái, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 13%/năm lên 1,87 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 295 tỷ USD). 

Quan chức này cho rằng sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước là vấn đề cơ cấu khi Trung Quốc xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn và nhập khẩu nhiều dịch vụ hơn từ nước này. Theo ông, vấn đề cạnh tranh thương mại được quyết định bởi các ngành công nghiệp và việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc cũng góp phần dẫn đến mất cân bằng thương mại song phương. Kết quả nghiên cứu của Mỹ gần đây cho thấy nếu Oa-sinh-tơn nới lỏng hạn chế xuất khẩu, thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ giảm 35%. 

Tưởng niệm 7 năm thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản

Ngày 11-3 đánh dấu tròn 7 năm ngày xảy ra thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản khiến hơn 18 nghìn người thiệt mạng hoặc mất tích, sau đó dẫn tới một trong những sự cố rò rỉ hạt nhân nguy hiểm nhất trong lịch sử tại nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-si-ma.

Hàng loạt hoạt động tưởng niệm được tổ chức tại Thủ đô Tô-ky-ô vào chiều cùng ngày, trong đó phút mặc niệm bắt đầu lúc 14h46 phút (giờ địa phương, 16h46 giờ Việt Nam), trùng thời điểm xảy ra thảm họa kinh hoàng. Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Sin-dô A-bê, Hoàng tử A-ki-si-nô và những người may mắn sống sót sau thảm họa.

Đã 7 năm kể từ thảm họa trên, công tác khắc phục đã được triển khai tích cực, song vẫn còn nhiều thách thức trong việc gây dựng lại cuộc sống cho những người may mắn sống sót. 

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, khoảng 7.000 hộ gia đình vẫn đang phải sống trong các căn nhà tạm tại 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa. Hơn 90% trong tổng số 30 nghìn căn hộ dự kiến dành cho các gia đình phải sơ tán đã được xây dựng và số còn lại dự kiến được hoàn tất vào cuối tháng 3-2019. Tuy nhiên, nhiều người dân không muốn sống trong các khu nhà tạm mà rời bỏ quê hương tìm cách xây dựng lại cuộc sống ở những vùng khác.

Dù lệnh sơ tán đã được dỡ bỏ tại nhiều khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Phu-cư-si-ma, nhưng khoảng 50 nghìn người trong tổng số những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa vẫn phải tạm trú ngoài tỉnh Phu-cư-si-ma vì lo ngại tồn dư phóng xạ hạt nhân và nhiều lý do khác.

I-ran yêu cầu Anh có biện pháp sau vụ xâm nhập trái phép đại sứ quán

Ngày 10-3, Bộ Ngoại giao I-ran đã triệu tập Đại sứ Anh tại Tê-hê-ran sau khi xảy ra vụ xâm nhập trái phép Đại sứ quán I-ran tại Luân Đôn.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, người phát ngôn bộ trên Ba-ram Ca-sê-mi đã bày tỏ sự “phản đối kịch liệt” của Tê-hê-ran về sự việc trên và kêu gọi Chính phủ Anh bảo vệ các nhà ngoại giao và phái bộ ngoại giao I-ran. Bộ trên cũng yêu cầu trừng phạt các đối tượng đứng sau vụ việc. 

Vụ xâm phạm địa phận tòa nhà của Đại sứ quán I-ran ở Anh đã xảy ra lúc 16h20 ngày 9-3 giờ địa phương (23h20 giờ Việt Nam). Cả 4 đối tượng đột nhập vào ban công của Đại sứ quán I-ran đều đã bị bắt giữ sau đó khoảng 2 giờ và bị tạm giam tại Sở cảnh sát Luân Đôn. Không ai bị thương trong vụ việc trên. Báo cáo ban đầu cho thấy 4 đối tượng thuộc một nhóm tôn giáo cực đoan tại Anh.

Hồi năm 1980, Đại sứ quán I-ran tại Luân Đôn từng bị 6 tay súng thuộc một nhóm phản đối Chính phủ I-ran khống chế và bắt giữ hơn 20 con tin. Sau 6 ngày, lực lượng đặc nhiệm Anh đã bố ráp tòa nhà, tiêu diệt 5 tay súng, bắt giữ một tên còn lại và giải thoát các nạn nhân, song đã có 2 con tin thiệt mạng./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com